HOME
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
Cầu cho các điều kiện làm việc.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho việc lao động cho phép mỗi người được phát triển, các gia đình được sống xứng đáng và xã hội được trở nên nhân đạo hơn.
For working conditions.
Let us pray that through work, each person might find fulfilment, families might be sustained in dignity, and that society might be humanized.

HIỆPTHÔNG

Vatican News -

Một số nghi thức đặc biệt trong Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Thánh Cha Lêô XIV

Chúa nhật ngày 18/5, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Thánh Cha Lêô XIV được cử hành. Trong cử hành phục vụ long trọng này có một số nghi thức đặc biệt nhấn mạnh mối liên kết với Thánh Phêrô Tông Đồ và cuộc tử đạo của ngài, điều đã nuôi dưỡng Giáo hội tiên khởi tại Roma, cùng với ý nghĩa của những biểu tượng Giám mục “Phêrô” được trao cho Đức Thánh Cha: Dây Pallium và Nhẫn Ngư Phủ.

 

Dây Pallium

Dây Pallium là phẩm phục phụng vụ được làm từ lông cừu, gợi nhớ đến hình ảnh Vị Mục Tử Nhân Lành mang chiên lạc trên vai, và gợi nhớ đến ba lần Thánh Phêrô đáp lại lời mời gọi của Chúa Phục Sinh: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Symeon thành Thessalonica viết trong tác phẩm De sacris ordinationibus“Dây Pallium đại diện Đấng Cứu Thế, Đấng đã mang lấy con chiên lạc là chúng ta trên vai, khi Nhập Thể đã mặc lấy bản tính nhân loại, để thánh hoá, hiến dâng chúng ta cho Chúa Cha qua cái chết trên Thánh giá và nâng chúng ta lên qua cuộc Phục Sinh”.

Dây Pallium là một dải vải nhỏ đặt trên vai, phía ngoài áo lễ, có hai đầu đen buông phía trước và sau. Trên đó thêu sáu thánh giá bằng lụa đen - mỗi đầu một thánh giá, và bốn thánh giá còn lại nằm trên phần vòng nằm ngang qua vai – và được trang trí bằng ba cây kim, biểu tượng ba chiếc đinh Thánh Giá Chúa Kitô.

 

Nhẫn Ngư Phủ

Nhẫn Ngư Phủ mang ý nghĩa của một chiếc nhẫn ấn tín, biểu tượng ấn tín đức tin được trao phó cho Thánh Phêrô để củng cố anh em. Gọi là Nhẫn “Ngư Phủ” vì Thánh Phêrô, tin vào lời Chúa Giêsu, thả lưới và đã kéo lên mẻ cá lạ kỳ.

 

Tại mộ Thánh Phêrô

Phụng vụ bắt đầu bên trong Đền thờ Thánh Phêrô. Đức tân Giáo Hoàng, cùng với các Thượng phụ của các Giáo hội Công giáo Đông phương, đi xuống nhà nguyện Mộ Thánh Phêrô để cầu nguyện và xông hương. Giây phút này nhấn mạnh sự gắn bó mật thiết giữa Giám mục Roma và Thánh Phêrô Tông đồ, người đã cùng với nhiều Kitô hữu khác làm chứng cho đức tin bằng máu đào tại nơi đây.

Sau đó, hai phó tế mang dây Pallium, Nhẫn Ngư Phủ và Sách Tin Mừng tiến về Bàn Thờ chính đặt tại quảng trường Thánh Phêrô.

 

Tại sảnh Đền thờ Thánh Phêrô

Đức Thánh Cha Lêô XIV tiến ra sảnh Đền thờ và nhập vào đoàn rước, trong lúc thánh ca Laudes Regiæ - cầu xin sự chuyển cầu của các Đức Giáo Hoàng, các vị tử đạo và các thánh của Giáo hội Roma - được cất lên.

Từ cửa chính Đền thờ, treo một tấm thảm lớn mô tả mẻ cá lạ thể hiện cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Thánh Phêrô, chủ đề trung tâm của Phụng vụ Lời Chúa. Tấm thảm là bản sao tác phẩm dệt Flemish dựa trên mẫu vẽ của Raphael, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Vatican.

Gần bàn thờ, có đặt ảnh Đức Mẹ Chỉ bảo Đàng lành ở Genazzano.

Nghi thức được tiếp tục với phần làm phép và rảy nước thánh, vì là Chúa nhật Phục sinh. Sau đó hát kinh Vinh Danh, lời nguyện nhập lễ, cầu xin Thiên Chúa hoàn tất kế hoạch của Người: xây dựng Giáo hội trên nền đá Phêrô.

 

Phụng vụ Lời Chúa

Phụng vụ Lời Chúa bắt đầu với bài đọc một, công bố bằng tiếng Tây Ban Nha, trích từ sách Công vụ Tông đồ (Cv 4, 8-12), trong đó Thánh Phêrô tuyên xưng: “tảng đá bị thợ xây loại bỏ”. Đáp ca (Tv 117 [118]), công bố bằng tiếng Ý, lặp lại chủ đề: “Tảng đá thợ xây loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường”.

Bài đọc hai, bằng tiếng Anh, trích từ thư thứ nhất của Thánh Phêrô (1 Pr 5, 1-5.10-11), làm nổi bật mối liên hệ giữa Thánh Phêrô, Giáo hội Roma và sứ vụ của người kế vị ngài.

Tin Mừng công bố bằng tiếng Latinh và Hy Lạp (Ga 21, 15-19), thuật lại việc Chúa Giêsu ba lần hỏi Phêrô: “Con có yêu Thầy không?”, và trao phó sứ mạng chăn dắt đoàn chiên. Đây là một trong những đoạn Kinh Thánh nền tảng cho vai trò đặc biệt của Phêrô trong nhóm Mười Hai.

 

Trao biểu tượng Giám mục phêrô

Sau Tin Mừng, ba Hồng y thuộc ba đẳng (phó tế, linh mục, giám mục) đại diện ba châu lục tiến đến gần Đức Thánh Cha. Vị thứ nhất trao Dây Pallium, vị thứ hai đọc lời nguyện cầu xin sự hiện diện và trợ giúp của Thiên Chúa trên Đức Thánh Cha. Vị thứ ba dâng lời khẩn cầu Chúa Kitô - “Mục Tử và Giám mục linh hồn chúng ta”, Đấng đã xây Giáo hội trên đá tảng Phêrô và được chính Phêrô tuyên xưng là “Con Thiên Chúa hằng sống” – xin trao cho Đức Tân Giáo Hoàng chiếc Nhẫn Ngư Phủ.

Nghi thức này kết thúc bằng lời nguyện cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho Đức Thánh Cha sức mạnh và dịu dàng để gìn giữ các môn đệ Chúa Kitô trong sự hiệp nhất. Sau đó, Đức Thánh Cha ban phép lành với Sách Tin Mừng và cộng đoàn tung hô bằng tiếng Hy Lạp: “Ad multos annos!” (Nguyện cho ngài trường thọ)

 

Nghi thức tuyên hứa vâng phục

Tiếp theo là nghi thức vâng phục mang tính biểu tượng: 12 đại diện của toàn Dân Chúa đến từ khắp nơi trên thế giới tuyên hứa vâng phục Đức Thánh Cha. Thánh lễ tiếp tục với phần giảng lễ của ngài.

Sau đó là Kinh Tin Kính. Lời nguyện tín hữu gồm năm ý nguyện đọc bằng tiếng Bồ Đào Nha, Pháp, Ả Rập, Ba Lan và Trung Quốc. Các lời nguyện được dâng lên cầu cho Giáo hội hoàn vũ, Đức Thánh Cha trong sứ vụ bắt đầu của ngài, cho chính quyền dân sự, cho người đau khổ, và cho chính cộng đoàn hiện diện.

 

Phụng vụ Thánh Thể

Khi thánh ca dâng lễ “Tu es pastor ovium” (Ngài là Mục Tử của chiên) được cất lên, đoàn tín hữu cùng dâng bánh và rượu. Lời nguyện cầu xin cho nhờ sứ vụ truyền giáo của Giáo hội, hoa trái ơn cứu độ được lan tỏa khắp địa cầu.

Đức Thánh Cha đọc Kinh nguyện Thánh Thể I. Sau phần hiệp lễ, ngài cầu xin Thiên Chúa củng cố Giáo hội trong hiệp nhất và bác ái, và xin được cứu độ cùng với đoàn chiên được trao phó.

 

Nghi thức kết thúc

Trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha có một bài huấn dụ ngắn. Sau khi hát Kinh Lạy Nữ Vương, ngài ban phép lành trọng thể, gợi hình ảnh Kinh Thánh về cây nho và vườn nho – biểu tượng của Giáo hội – và cầu xin Thiên Chúa gìn giữ và chăm sóc cây nho Người đã trồng, và xin cho ánh sáng cứu độ của Người chiếu soi trên tất cả mọi người.

 

Vatican News

 

Vatican News -

Châm ngôn và Huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV 

Châm ngôn “In Illo uno unum” (Trong Đấng duy nhất, chúng ta là một) là câu trích từ bài giảng của Thánh Augustinô mà Đức Giáo hoàng đã chọn làm khẩu hiệu giám mục của ngài. Trên huy hiệu, hình ảnh cuốn sách đóng, có trái tim bị mũi tên đâm xuyên qua cũng là một cách nhắc nhớ đến vị Giám mục thành Hippo.

 

Huy hiệu

Tấm khiên huy hiệu được chia chéo thành hai phần. Nửa trên là nền xanh lam, nổi bật với hình ảnh một bông huệ trắng.

Nửa dưới có nền sáng, với biểu tượng quen thuộc của Dòng Thánh Augustinô: một quyển sách đóng, trên đó có trái tim bị một mũi tên xuyên qua. Hình ảnh này nhắc đến kinh nghiệm hoán cải của chính thánh Augustinô, người đã mô tả cuộc gặp gỡ riêng tư với Lời Chúa bằng câu nói: “Vulnerasti cor meum verbo tuo” – “Lạy Chúa, Ngài đã đâm thấu trái tim con bằng Lời Ngài.”

 

Khẩu hiệu

Khẩu hiệu giám mục của Đức Giáo Hoàng Lêô XIV là “In Illo uno unum” (Trong Đấng duy nhất, chúng ta là một) là lời được Thánh Augustinô trích trong bài giảng Giải Thích Thánh Vịnh 127, để giải thích rằng “dù chúng ta, các Kitô hữu, thật nhiều, nhưng trong Đức Kitô duy nhất, chúng ta là một”.

Trong cuộc phỏng vấn với Tiziana Campisi của Vatican News ngày 10 tháng 7 năm 2023, Đức Hồng y Robert Prevost đã giải thích: “Như có thể thấy qua châm ngôn giám mục của tôi, sự hiệp nhất và hiệp thông chính là một phần đặc sủng của Dòng Thánh Augustinô, và cũng là cách tôi suy nghĩ và hành động. Tôi nghĩ rằng việc thúc đẩy sự hiệp thông trong Giáo hội là điều vô cùng quan trọng, và chúng ta đều biết rõ rằng hiệp thông, tham gia và sứ vụ là ba từ khóa của Thượng Hội Đồng. Vì thế, với tư cách là một tu sĩ Augustinô, đối với tôi, việc cổ vũ sự hiệp nhất và hiệp thông là điều cốt yếu. Thánh Augustinô đã nói rất nhiều về sự hiệp nhất trong Giáo hội và sự cần thiết phải sống điều đó.”

Giải thích của Thánh Augustinô về Thánh Vịnh 127: “Đức Kitô… là đầu và thân thể, là một con người duy nhất. Và thân thể của Đức Kitô là ai? Chính là Hội Thánh của Người. Thánh Tông đồ đã khẳng định: Chúng ta là những chi thể của thân thể Người, và còn nói: Anh em là thân thể Đức Kitô và là chi thể của Người. Vậy chúng ta hãy cố gắng lắng nghe tiếng nói của con người này, vì khi kết hợp với Người, chúng ta cũng trở thành một con người duy nhất”.
(…)
dù chúng ta, các Kitô hữu, thật nhiều, nhưng trong Đức Kitô duy nhất, chúng ta là một. Chúng ta là nhiều và là một – bởi vì chúng ta kết hiệp với Người. Và nếu Đầu của chúng ta ở trên trời, thì các chi thể cũng sẽ theo sau”.

 

Vatican News

 

Vatican News -

Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV – Vị Giáo Hoàng Thứ 267 Của Giáo Hội 

Từ khói trắng đến “Habemus Papam”

Khói trắng từ ống khói Nhà nguyện Sistine vừa báo cho các tín hữu và thế giới biết một tân Giám mục Roma – người kế vị Thánh Phêrô – đã được bầu chọn. Nhưng điều gì đã xảy ra dưới mái vòm được Michelangelo vẽ bích họa chỉ vài phút trước đó? Và điều gì sẽ diễn ra cho đến khoảnh khắc Đức Hồng Y trưởng đẳng phó tế người Pháp, Dominique Mamberti, công bố tên của Tân Giáo hoàng với công thức “Habemus Papam-Chúng ta có Giáo hoàng” từ ban công chính của Đền thờ Thánh Phêrô?

 

Nghi thức chấp nhận

Theo quy định của Nghi thức phụng vụ của Mật nghị (Ordo rituum Conclavis) và Tông hiến Universi Dominici Gregis, một Hồng y có mặt tại Nhà nguyện Sistine đã đạt đủ số phiếu cần thiết và cuộc bầu chọn diễn ra theo đúng Giáo luật. Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng y đoàn, thay mặt cho tất cả các Hồng y cử tri, hỏi sự đồng ý của vị được bầu bằng câu tiếng Latinh: “Ngài có chấp nhận việc bầu chọn ngài theo giáo luật làm Giáo hoàng không?”

Sau đó, Trưởng ban Nghi lễ Phụng vụ Giáo hoàng, với chức năng của một công chứng viên, và hai quan chức của ban Nghi lễ làm chứng thảo văn bản chấp thuận và ghi lại tên đã chọn.

 

Kết thúc Mật nghị Hồng y

Tông hiến Universi Dominici Gregis xác định rằng Mật nghị kết thúc ngay khi Tân Giáo hoàng chấp nhận việc bầu chọn, “trừ khi ngài có quyết định khác”. Sau đó, một số vị được phép vào Nhà nguyện Sistine, như Phó Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Ngoại trưởng Toà Thánh, và những người khác có trách nhiệm liên hệ với Tân Giáo hoàng.

 

Khói trắng và “Phòng Nước mắt”

Kết thúc nghi thức chấp thuận, các phiếu bầu và tài liệu liên quan được đốt, tạo ra khói trắng báo hiệu đã có Tân Giáo hoàng. Trong khi các tín hữu ở Quảng trường Thánh Phêrô vỗ tay reo mừng và thế giới hồi hộp chờ đợi tên của ngài, vị Tân Giáo hoàng rời Nhà nguyện Sistine và bước vào phòng thánh, nơi được gọi là “Phòng Nước mắt. Tại đây, ngài được Trưởng ban Nghi lễ Phụng vụ Giáo hoàng giúp đỡ mặc một trong ba bộ áo Giáo hoàng đã được chuẩn bị sẵn.

 

Nghi lễ đầu tiên: Tỏ lòng kính trọng và hát “Te Deum”

Khi trở lại Nhà nguyện Sistine, Tân Giáo hoàng ngồi trên ghế và một nghi lễ ngắn diễn ra. Một Hồng y thuộc đẳng giám mục đọc lời chúc mừng; sau đó, Hồng y đứng đầu đẳng linh mục đọc một đoạn Tin Mừng có thể là “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” hoặc “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Kế đó, Hồng y trưởng đẳng phó tế đọc một lời cầu nguyện cho người Kế vị Thánh Phêrô mới được bầu.

Sau nghi thức, các Hồng y lần lượt tiến đến trước Tân Giáo hoàng để bày tỏ lòng kính trọng và vâng phục, theo thứ tự phẩm trật. Cuối cùng, tất cả cùng hát bài thánh ca “Te Deum”, do chính Tân Giáo hoàng xướng.

 

Lời cầu nguyện của Tân Giáo hoàng tại Nhà nguyện Paolina

Trong khi Đức Hồng Y trưởng đẳng phó tế Dominique Mamberti tiến ra ban công chính của Đền thờ Thánh Phêrô để công bố: Tôi loan báo cho anh chị em niềm vui lớn lao: chúng ta có Đức Giáo hoàng! (Nuntio vobis gaudium magnum: habemus papam!)
thì Tân Giáo hoàng, trước khi ra chào các tín hữu, dừng lại trong Nhà nguyện Paolina để thinh lặng cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa. Sau đó, ngài bước ra ban công và ban phép lành tông toà đầu tiên cho thành Roma và toàn thế giới “Urbi et Orbi”.

 

Mật viện đã bầu chọn vị Giám mục Roma thứ 267, được Đức Hồng y trưởng đẳng phó tế Dominique Mamberti công bố:

Annuntio vobis gaudium magnum: habemus Papam! “Tôi thông báo cho anh chị em một niềm vui lớn lao: chúng ta có Giáo hoàng!” Đức Hồng y đáng kính và đáng trọng, ĐHY Franciscum, Hồng y của Giáo hội Rôma thánh thiện, Robertum, đã chọn cho mình tông hiệu là Lêô XIV.

 

Lời chào đầu tiên của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV

Trước khi ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi, cho Roma và toàn thế giới, Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã ngỏ lời với tất cả mọi người với lời chào bình an, mời gọi xây nhịp cầu và đối thoại.

 

Bình an ở cùng tất cả anh chị em!

Anh chị em thân mến, đây là lời chào đầu tiên của Đức Kitô Phục Sinh, vị Mục Tử nhân lành đã hiến mạng sống vì đoàn chiên của Thiên Chúa. Tôi cũng mong muốn lời chào bình an này thấm sâu vào lòng anh chị em, lan tỏa đến gia đình của mỗi người, đến mọi người, ở bất cứ nơi đâu, đến mọi dân tộc, đến khắp mặt đất. Bình an ở cùng anh chị em!

Đây là bình an của Đức Kitô Phục Sinh, một sự bình an không vũ khí và buông vũ khí, khiêm nhường và kiên trì. Bình an này đến từ Thiên Chúa, Đấng yêu thương tất cả chúng ta vô điều kiện. Chúng ta vẫn còn nghe vang vọng trong tai chúng ta giọng nói yếu ớt nhưng đầy can đảm của Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài ban phép lành cho thành Roma!

Đức Thánh Cha ban phép lành cho Roma cũng là ban phép lành cho thế giới, cho toàn thể nhân loại, trong buổi sáng ngày lễ Phục Sinh. Xin cho phép tôi tiếp nối lời phép lành ấy: Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Thiên Chúa yêu thương tất cả anh chị em, và sự dữ sẽ không bao giờ thắng thế! Tất cả chúng ta đều ở trong bàn tay Thiên Chúa. Vì thế, không sợ hãi, cùng nhau nắm tay Thiên Chúa và nắm tay nhau, chúng ta tiến bước. Chúng ta là môn đệ của Đức Kitô. Đức Kitô đi trước dẫn đường. Thế giới cần ánh sáng của Người. Nhân loại cần Người như cây cầu để đến được với Thiên Chúa và tình yêu của Người. Xin anh chị em cũng hãy giúp chúng ta, rồi giúp nhau xây dựng những nhịp cầu, qua đối thoại, qua gặp gỡ, hiệp nhất để trở thành một dân tộc duy nhất luôn sống trong hoà bình. Xin cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô!

Tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả các Hồng Y anh em đã chọn tôi làm Người Kế Vị Thánh Phêrô, để cùng anh chị em bước đi, như một Giáo Hội hiệp nhất, luôn tìm kiếm hòa bình, công lý, luôn cố gắng sống như những người nam nữ trung thành với Đức Giêsu Kitô, không sợ hãi, để loan báo Tin Mừng, để trở thành những nhà truyền giáo.

Tôi là người con của Thánh Augustinô, một tu sĩ Augustinô, người đã nói: “Với anh em, tôi là Kitô hữu; vì anh em, tôi là giám mục”. Theo nghĩa này, tất cả chúng ta có thể cùng nhau tiến về quê hương mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta.

Gửi đến Giáo Hội Roma một lời chào đặc biệt! Chúng ta phải cùng nhau tìm cách trở thành một Giáo Hội truyền giáo, một Giáo Hội xây dựng nhịp cầu, đối thoại, luôn rộng mở để chào đón như quảng trường này với vòng tay rộng mở. Tất cả, tất cả những ai cần đến lòng bác ái, sự hiện diện, đối thoại và tình yêu của chúng ta.

 

Sau khi ngỏ lời chào bằng tiếng Ý, Đức tân Giáo Hoàng đã nói bằng tiếng Tây Ban Nha: Và xin cho phép tôi gửi một lời chào đến tất cả mọi người, và đặc biệt đến giáo phận Chiclayo yêu dấu của tôi ở Peru, nơi có một dân thánh trung thành đã đồng hành với vị giám mục của mình, chia sẻ đức tin và đã cống hiến rất nhiều, rất nhiều, để tiếp tục là một Giáo Hội trung thành của Đức Giêsu Kitô.

Gửi đến tất cả anh chị em ở Roma, ở Ý, và trên toàn thế giới, chúng ta mong muốn trở thành một Giáo Hội hiệp hành, một Giáo Hội bước đi, một Giáo Hội luôn tìm kiếm hòa bình, luôn tìm kiếm đức ái, luôn cố gắng ở gần những người đau khổ nhất.

Hôm nay là ngày cầu nguyện với Đức Mẹ Pompei. Mẹ Maria luôn muốn đồng hành với chúng ta, ở gần bên, giúp đỡ chúng ta qua lời chuyển cầu và tình yêu của Mẹ.

Vì thế, tôi muốn cùng anh chị em cầu nguyện. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho sứ vụ mới này, cho toàn thể Giáo Hội, cho hòa bình thế giới, và xin Mẹ ban ơn đặc biệt này.

Sau đó Đức Tân Giáo hoàng đã cùng các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô đọc Kinh Kính Mừng và ngài ban phép lành toàn xá Urbi và Urbi, cho Roma và toàn thế giới.

 

Robert Francis Prevost – Tiểu sử của vị Tân Giáo Hoàng

Đức Tân Giáo Hoàng Robert Francis Prevost, vị giáo hoàng thứ 267 trong lịch sử Giáo hội, đã chọn tước hiệu Lêô XIV. Ngài là Giáo hoàng đầu tiên thuộc Dòng Thánh Augustinô, sinh ngày 14 tháng 9 năm 1955 tại Chicago, bang Illinois, Hoa Kỳ.

Trước khi được bầu làm Giáo hoàng lúc 18:07, ngài là Tổng trưởng Bộ Giám mục và Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh. Ngài cũng là Giáo hoàng người châu Mỹ thứ hai, ngay sau Đức Giáo hoàng Phanxicô. Đức Tân Giáo hoàng sinh tại Bắc Mỹ nhưng từng hoạt động mục vụ lâu dài tại Nam Mỹ, đặc biệt là Peru.

Ngài là con của ông Louis Marius Prevost, mang dòng máu Pháp - Ý, và bà Mildred Martínez, gốc Tây Ban Nha. Ngài có hai anh em là Louis Martín và John Joseph.

 

Hành trình ơn gọi và học vấn:

Ngài theo học tại tiểu Chủng viện của Dòng Augustinô và sau đó tốt nghiệp Cử nhân Toán học và Triết học tại Đại học Villanova (1977). Cùng năm đó, ngài gia nhập Dòng Thánh Augustinô (O.S.A.), khấn lần đầu năm 1978 và vĩnh khấn năm 1981.

Ngài tiếp tục học Thần học tại Catholic Theological Union, và năm 1982, được gửi đến Roma để học Giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquino (Angelicum). Ngày 19 tháng 6 năm 1982, ngài được thụ phong linh mục tại Nhà thờ Thánh Monica, do Đức ông Jean Jadot chủ sự.

Ngài nhận bằng Cử nhân Giáo luật (1984) và Tiến sĩ Giáo luật (1987), với luận án “Vai trò của Bề trên địa phương trong Dòng Thánh Augustinô”.

 

Hoạt động mục vụ tại Peru:

Từ năm 1985, ngài hoạt động mục vụ tại Chulucanas, Peru, sau đó tại Trujillo. Tại đây, ngài giữ nhiều vai trò quan trọng:

- Bề trên cộng đoàn (1988–1992)

- Giám đốc đào tạo (1988–1998)

- Giáo sư Giáo luật, Giáo phụ học và Luân lý tại Chủng viện lớn

- Đại diện tư pháp của Tổng Giáo phận Trujillo

- Quản xứ các giáo xứ nghèo: Đức Mẹ Montserrat, Thánh Rita

- Vai trò lãnh đạo trong Dòng Thánh Augustinô và Giáo hội

- Năm 1999, ngài được bầu làm Bề trên Tỉnh dòng Augustinô “Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành” tại Chicago, và năm 2001, được bầu làm Bề trên Tổng quyền Dòng Augustinô, tái cử năm 2007.

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, ngài trở về Chicago (2013) giữ vai trò Giám đốc đào tạo và Phó Tỉnh dòng. Ngày 3 tháng 11 năm 2014, Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Giám quản Tông Tòa Giáo phận Chiclayo, Peru, và Giám mục hiệu tòa Sufar.

Ngài được tấn phong giám mục vào ngày 12 tháng 12 năm 2014, lễ Đức Mẹ Guadalupe. Châm ngôn giám mục của ngài là: “In Illo uno unum” – “Trong Đấng duy nhất, tất cả nên một”, trích từ Thánh Augustinô.

Tháng 9 năm 2015, ngài được bổ nhiệm chính thức làm Giám mục Chiclayo, và năm 2018, được bầu làm Phó Chủ tịch thứ hai Hội đồng Giám mục Peru. Ngài cũng là Chủ tịch Ủy ban Văn hóa và Giáo dục, và thành viên Hội đồng Kinh tế.

 

Phục vụ Giáo hội toàn cầu:

- Năm 2019: Thành viên Bộ Giáo sĩ.

- Năm 2020: Thành viên Bộ Giám mục, đồng thời làm Giám quản Tông Tòa Giáo phận Callao.

- Ngày 30 tháng 1 năm 2023: Bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giám mục, Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, và được nâng lên Tổng Giám mục.

- Ngày 30 tháng 9 năm 2023: Được phong Hồng y, với nhà thờ hiệu tòa Santa Monica, chính thức nhận ngày 28 tháng 1 năm 2024

 

Ngài đã tham gia hai phiên họp của Thượng Hội Đồng Giám mục về Tính Hiệp Hành tại Roma:

- Tháng 10 năm 2023 (phiên họp thứ nhất)

- Tháng 10 năm 2024 (phiên họp thứ hai)

Trước đó, với vai trò Bề trên Tổng quyền, ngài cũng từng tham dự các Thượng Hội Đồng Giám mục, đại diện cho Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền (USG).

 

Vatican News

 

Vatican News -

Đức cố Giáo hoàng Phanxicô: Chúa đã bắt đầu. Chúa đã gọi tôi. Chúa ở cùng tôi

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2021 tại Nhà Thánh Marta, được thực hiện bởi ông Noel Díaz, người sáng lập hiệp hội giáo dân “El Sembrador, Nueva Evangelización”, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã suy tư về vai trò của ngài như là người kế vị Thánh Phêrô, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ thâm sâu về sự tin tưởng của mình và sự đồng hành của Chúa.

Đức cố Giáo hoàng Phanxicô chia sẻ: “Tôi cảm thấy Chúa đồng hành với tôi, cảm thấy Người là Đấng tuyển chọn, Đấng bắt đầu câu chuyện này. Trong trường hợp của tôi, Người đã bắt đầu câu chuyện với tôi, Người đã mời gọi tôi, Người đã đồng hành với tôi. Và bất chấp sự bất trung của tôi, bất chấp sự thật rằng tôi là một tội nhân như Thánh Phêrô, Người không bỏ rơi tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy được Người quan tâm chăm sóc”.

 

Được gọi từ giữa dân chúng

Khi nhắc đến đoạn Tin Mừng trong đó Chúa Giêsu gọi ông Simon Phêrô từ giữa đám đông, mà không tách ông ra khỏi đám đông, Đức cố Giáo hoàng nói rằng cử chỉ này của Chúa Giêsu có ý nghĩa sâu sắc đối với các linh mục: “Chúa Giêsu luôn kêu gọi các linh mục của Người từ trong dân chúng, từ giữa dân chúng. Nếu Thánh Phêrô quên mất nguồn gốc của mình, ngài sẽ phản bội kế hoạch của Chúa Giêsu. Ngài sẽ thành lập một nhóm tinh hoa. Một mục tử phải ở với đàn chiên. Đó là lý do tại sao ngài là một mục tử”.

 

Khiêm nhường là điều người lãnh đạo tinh thần cần có

Trong suốt cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng suy tư về sự biến đổi của Thánh Phêrô, người đã quỳ xuống trước Chúa Giêsu khi chứng kiến phép lạ của Người, nhận ra những giới hạn của con người và tội lỗi của mình. Đối với Đức cố Giáo hoàng, hành động khiêm nhường này là điều thiết yếu đối với bất kỳ nhà lãnh đạo tinh thần nào: “Khi Thánh Phêrô nghi ngờ, khi ngài thiếu sức mạnh, ngài sẽ nhớ đến điều này, đến phép lạ, nhớ rằng Chúa có thể thay đổi mọi thứ. Ngài nhận ra rằng mình có giới hạn, rằng ngài là một tội nhân: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”.

 

Được xức dầu để trở thành một mục tử

Theo Đức cố Giáo hoàng, quá trình biến đổi này không chỉ là một hành trình đức tin cá nhân, mà còn là lời nhắc nhở cho tất cả những ai được kêu gọi lãnh đạo. Ngài giải thích: “Khi Chúa Giêsu xức dầu cho anh em, Người xức dầu cho anh em vì anh em là một mục tử. Người không xức dầu cho anh em để được thăng chức, để trở thành người đứng đầu một văn phòng. Người xức dầu cho anh em để trở thành một mục tử”.

 

Đức tin và sự yếu đuối của Thánh Phêrô

Đề cập đến lời tuyên xưng của Thánh Phêrô trong Phúc Âm, Đức cố Giáo hoàng nhấn mạnh tầm quan trọng của mặc khải thiêng liêng trong lời tuyên xưng của Thánh Phêrô: “Chúa Giêsu giải thích lý do tại sao Người can đảm chấp nhận rủi ro: “Bởi vì những gì con vừa nói không phải được mặc khải cho con bởi bất kỳ khoa học nào, mà là bởi Chúa Cha qua Thánh Thần của Người”. Lời tuyên xưng của Thánh Phêrô không chỉ là lời tuyên bố cá nhân, mà còn là sự mặc khải từ Chúa Cha”.

Bất chấp đức tin và lòng can đảm của Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại cách Chúa Giêsu sửa sai Thánh Tông đồ khi ông cố gắng ngăn cản Chúa khỏi con đường thập giá: “Người nói với ông: “Satan, hãy lui ra đằng sau Ta”. Lời khiển trách nặng nề nhất. Bởi vì ông muốn kéo Chúa ra khỏi con đường đến thập giá”. Đức cố Giáo hoàng nhấn mạnh: "Đây là sự sửa sai lớn lao cho vị Giáo hoàng đầu tiên”.

 

Mục tử không được đi chệch khỏi con đường thập giá

Đức cố Giáo hoàng cũng suy tư về những nguy hiểm của quyền lực thế gian trong Giáo hội: “Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng người mục tử không được đi chệch khỏi con đường thập giá. Một số người, trong suốt lịch sử, đã thích những con đường của quyền lực, của cải và ảnh hưởng. Nhưng Chúa Giêsu nói rõ với chúng ta rằng có một con đường khác: “Con đường của Ta là thập giá”. Đây là chứng tá của Giáo hội”.

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự tin tưởng vào giáo huấn của Chúa Giêsu, đồng thời nhắc lại rằng khi một người đi chệch khỏi con đường của Chúa, người đó có thể rơi vào sai lầm. Ngài nói: “Khi chúng ta đi chệch khỏi Lời Chúa Giêsu, chúng ta có thể đi theo những con đường không phải của Người. Và Chúa Giêsu nói với chúng ta: Đó không phải là con đường của Ta, mà là con đường của Satan”.

 

Tin tưởng vào Lời Chúa và lời hứa của Người

Ngài cũng suy tư về những thách thức mà ngài phải đối mặt trong sứ vụ của ngài: “Tôi tin tưởng vào lời Chúa Giêsu, Đấng ban sức mạnh cho tôi khi Người chọn tôi. Người sửa sai khi tôi phạm lỗi”.

Trước những khó khăn bên ngoài và khủng hoảng trong chính Giáo hội, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã tái khẳng định niềm hy vọng của mình vào lời hứa của Chúa Kitô: “Lời Chúa đảm bảo với chúng ta rằng các thế lực của sự dữ sẽ không thắng thế. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng, ngay cả khi các cuộc tấn công và thách thức xảy ra, các thế lực của sự dữ sẽ không thắng thế. Đó là niềm hy vọng của chúng ta”.

 

Vatican News

 

Vatican News -

Thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta và các bài giảng của ĐTC Phanxicô 

Chỉ 10 ngày sau khi được bầu chọn làm Giáo hoàng vào ngày 13/3/2013, và chỉ một tuần sau Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô vào ngày 19/3/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu cử hành Thánh lễ mỗi sáng tại Nhà nguyện Thánh Marta như trong một giáo xứ, nghĩa là có cộng đoàn tham dự. Ngài là một Giáo hoàng gần gũi với mọi người, và các bài giảng của ngài trong các Thánh lễ này đã cho thấy chân dung tinh thần và mục vụ của ngài và sức mạnh của một ngôn ngữ sáng tạo, đặc trưng cho giáo huấn của ngài.

Những chủ đề chính trong giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, được thể hiện trong các diễn văn hay các tài liệu của ngài, như hy vọng, tình huynh đệ, những người bị gạt ra bên lề, lòng thương xót, hòa bình, vv., đã được ngài bắt đầu suy tư trong các bài giảng trong các Thánh lễ tại nhà nguyện Thánh Marta trong 7 năm - từ tháng 3 năm 2013 đến tháng 5 năm 2020. Đó là những đề tài mà ngài yêu thích, ngài quan tâm, những chủ đề gần gũi nhất với trái tim ngài và sau đó được phát triển thành hình thức hoàn chỉnh trong các bài diễn văn và các tài liệu.

 

Vị Giáo hoàng gần gũi

Từ tháng 3/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ như trong khung cảnh của một “giáo xứ” tại nhà nguyện Thánh Marta. Ngài là một Giáo hoàng gần gũi, thể hiện qua việc cử hành Thánh lễ nhiều lần trong tuần, cho cộng đoàn là những người dân thường, kết thúc bằng lời chào và cái bắt tay dành cho tất cả những người hiện diện, từng người một khi họ rời khỏi nhà nguyện. Và điều này còn được chứng minh bằng những bài giảng với ngôn ngữ rất tự nhiên, gần gũi với người dân nhưng không hề mơ hồ về mặt khái niệm, và thường được thêm thắt một số thuật ngữ mượn từ tiếng mẹ đẻ của ngài.

 

Những người rốt cùng trở thành những người đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô

Hoàn toàn phù hợp với vị Mục tử mang “mùi” chiên của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu những Thánh lễ ban sáng ở Nhà nguyện Thánh Marta trước hết với những người mà bình thường khó có thể được mời vào những chỗ đầu tiên. Vào lúc 7 giờ sáng ngày 22/3/2013, khi trời Roma vẫn còn tối, những người làm vườn và người dọn dẹp đường phố làm việc tại Vatican đã đến Nhà nguyện Thánh Marta và lắng nghe bài giảng đầu tiên của ngài.

Ngày hôm sau có những người làm việc khác từ Tòa Thánh, các nhân viên, các nữ tu… Và cứ thế, tuần này qua tuần khác, cho đến khi ngài đón tiếp đông đảo các tín hữu từ các giáo xứ ở Roma. Trong nhiều năm, Thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta, một sự kiện bên lề trong chương trình nghị sự của Giáo hoàng, đã sớm trở thành một cuộc hẹn của hàng trăm người “bình thường”, những người chưa bao giờ nghĩ đến việc có một ngày được gặp trực tiếp Đức Giáo hoàng.

 

Những từ ngữ chưa từng được nghe

Trong các bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô có những thành ngữ mà trước đây các tín hữu chưa từng được nghe. Ngài nói: Thiên Chúa “không có chiếc đũa thần” nhưng cứu rỗi bằng sự kiên trì, “Chúa Giêsu không loại trừ bất kỳ ai”, “Giáo hội không phải là người giữ trẻ” hay thậm chí là “một tổ chức phi chính phủ” mà là “một câu chuyện tình yêu”, Chúa Thánh Thần “không thể bị thuần hóa” và “đức tin không phải là trò lừa đảo” (ngay cả khi có “những nhà tư tưởng làm sai lệch Phúc Âm”), những mục tử “tìm công danh” đôi khi “trở thành sói”, những Kitô hữu là những người vui tươi chứ không phải những khuôn mặt u sầu “như ớt ngâm giấm”, những cộng đồng khép kín “không biết sự dịu dàng nhưng chỉ biết bổn phận”, và cả lời mời gọi tránh xa chuyện phiếm và “hóa trang cho cuộc sống”, “ân sủng của nước mắt”, sự bình an “vô giá”, những tòa giải tội “không phải là tiệm giặt khô” nhưng là nơi chúng ta đến với “sự hổ thẹn được chúc lành”.

Đây là những khái niệm và từ ngữ sẽ trở thành dấu ấn theo thời gian trong giáo huấn của Đức cố Giáo hoàng, phát triển mạnh mẽ mà không có ngoại lệ trong những tuần đầu tiên sau cuộc bầu cử. Một Phúc Âm “theo Đức Phanxicô” trở nên sống động, dễ hiểu, linh động và gần gũi. Điều đó gợi lên suy nghĩ và chạm đến trái tim. Chinh phục được cả những đôi tai thờ ơ. Tiếng vọng của những Thánh lễ đó gây ngạc nhiên, xúc động, giống như một cái đục, từng nét một phác họa hình ảnh tinh thần của vị Giáo hoàng đến từ tận cùng trái đất.

 

Từ Đài phát thanh của Đức Giáo Hoàng đến thế giới

Từ thời điểm đó, Radio Vatican – Vatican News đã được trao một trách nhiệm quan trọng: theo ý muốn của Đức Giáo hoàng, mỗi lần, các phóng viên của ngài sẽ chọn ba đoạn âm thanh từ bài giảng, một trong số đó sẽ được đưa vào video, sau đó sẽ phát sóng tới các phương tiện truyền thông thế giới, với sự đồng ý trước của Phủ Quốc vụ khanh. Và vì thế, hoàn toàn phù hợp với một Giáo hoàng thích khởi xướng các tiến trình, Nhà nguyện Thánh Marta nổi bật như điểm tựa thiết yếu và được mong đợi từ lâu để hiểu về triều đại Giáo hoàng. Và sau đó, như sự cách ly do Covid gây ra sẽ chứng minh, đây sẽ là “ngôi nhà” thoải mái cho hàng triệu người kết nối từ khắp nơi trên thế giới, những người mà đại dịch đã tước đi mọi sự an toàn.

 

Hiệu quả của sự tức thời

Do đó, những gì xuất hiện trong các bài giảng tại Nhà nguyện Thánh Marta là một “thần học về cuộc sống thường ngày”. Đức Thánh Cha Phanxicô đưa Phúc Âm vào cuộc sống hằng ngày, giải thích cách sống Lời Chúa trong thực tế của những điều nhỏ nhặt, bằng cách sử dụng các sự kiện hoặc giai thoại đây đó. Các bài giảng của ngài thường ngắn gọn, như ngài vẫn thường khuyến cáo, không dài dòng, nhàm chán, mang tính hùng biện. Với ngài, Lời Chúa phải đến trực tiếp với con người, là kim chỉ nam trên hành trình sống. Đây là lý do tại sao lời văn của ngài sống động, giàu ẩn dụ lấy từ những sự kiện cụ thể. Đây là lời khuyên của một mục tử hiểu rõ cách chăm sóc đàn chiên, đã sống cả đời ở Buenos Aires, chia sẻ mọi thứ, ngay cả việc sử dụng phương tiện giao thông chung như tàu điện ngầm.

 

Sự khiêm nhường và chủ nghĩa giáo sĩ

Vào tháng 6/2013, khi nói về việc cần phải khiêm nhường, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố rằng nếu không có nó, người ta không thể “rao giảng về Chúa Kitô hoặc làm chứng nhân của Người” và điều này, ngài nói thêm với phong cách thẳng thắn thường thấy của mình, “cũng áp dụng cho các linh mục”: ngài nhấn mạnh rằng ân sủng của Thiên Chúa “là một kho tàng cần được giữ trong những chiếc bình bằng đất” và không ai có thể chiếm đoạt nó “cho chương trình giảng dạy cá nhân của mình”. Trong nhiều bài giảng, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã phác thảo căn tính của người Kitô hữu. Theo ngài, người có đức tin sẽ đi theo con đường “mở ra với người khác” và do đó loại bỏ ý tưởng “cảm thấy mình quan trọng” vì mình là một Kitô hữu. Ngài chống lại “thái độ giáo sĩ” của linh mục-ông hoàng, người “nói một đằng làm một nẻo”.

 

Những “câu chuyện phiếm gây nên tội ác”

Chủ đề về lòng thương xót, chủ đề trở thành nền tảng của Năm Thánh, thường xuyên vang vọng giữa các mái vòm của Nhà nguyện. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định vào tháng 12/2015, và vào năm 2017, “Thiên Chúa tha thứ mọi sự, nếu không thì thế giới đã không tồn tại”, để nhấn mạnh đến lòng thương xót vô biên của Người. Ngài khẳng định rằng “Chúa Giêsu ban lòng thương xót cách rộng rãi cho mọi người”.

Nói về cầu nguyện, trong bài giảng đầu năm 2016, Đức cố Giáo hoàng đã định nghĩa cầu nguyện là động lực thực sự của đời sống Giáo hội và vào năm 2018, ngài nhấn mạnh đến nhu cầu cầu nguyện không bao giờ mệt mỏi với lời mời gọi này: “Trong cầu nguyện, hãy can đảm”. Một chủ đề khác sẽ xuất hiện trong hàng ngàn bài phát biểu nhưng lại được chú ý đầu tiên ở Nhà nguyện Thánh Marta, đó là chuyện ngồi lê đôi mách. Ngài cảnh báo rằng chúng gieo rắc lòng đố kỵ, ghen ghét và ham muốn quyền lực. Những điều có thể khiến bạn giết chết một người: “Buôn chuyện là tội ác vì nó giết chết Thiên Chúa và tha nhân”.

 

Hòa bình và “miếng bánh bẩn” của tham nhũng

Đức Thánh Cha Phanxicô luôn kêu gọi hòa bình; đặc biệt là trong những năm cuối triều đại, nhiều lần ngài nhấn mạnh đến tính cấp thiết của hòa bình, được định nghĩa là “công việc hàng ngày”. Trong bài giảng năm 2017, khi nhắc đến ông Nôê, ngài nhắc lại rằng cành ô liu là “dấu hiệu của điều Chúa mong muốn”, một giá trị mạnh mẽ mà chúng ta chấp nhận “với sự yếu đuối”. Ngài nói thêm rằng có một sự cám dỗ chiến tranh nằm trong “tinh thần của Cain”, trong khi trong một dịp khác, ngài nói về tinh thần của Adam và Eva cho thấy rằng ma quỷ “là một kẻ lừa đảo”.

Đức cố Giáo hoàng thường nói về “kẻ nói dối vĩ đại”, là ma quỷ “hứa hẹn với bạn mọi thứ và bỏ bạn lại trần trụi”, là kẻ mà bạn bị cấm “đối thoại”. Bước đi tới kẻ thù lớn thứ hai, sự tham nhũng, là rất gần. Vào năm 2013, Đức Giáo hoàng đã gọi đó là “bánh mì bẩn”, “xảo quyệt” thúc đẩy tính thế tục, thường bắt đầu “bằng một điều nhỏ nhặt” và “dần dần, người ta rơi vào tội lỗi”.

 

Covid, cơn bão “bất ngờ và dữ dội”

Và rồi trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô có khoảnh khắc khi tình phụ tử của ngài, được tạo nên từ sự chăm sóc, gần gũi, quan tâm, đã được thể hiện một cách mạnh mẽ. Sự kiện này bắt đầu chính xác vào ngày 9/3/2020, ngày mà theo yêu cầu của ngài, phương tiện truyền thông Vatican phát sóng Thánh lễ lúc 7 giờ sáng được cử hành tại Nhà nguyện Thánh Marta, để an ủi một thế giới đang lạc lối, khép kín, sợ hãi vì đại dịch Covid-19 đang gây kinh hoàng, đặc biệt là ở Ý; trên thực tế, có gần một ngàn người chết mỗi ngày. Đức Thánh Cha hiểu những cảm xúc đó, biết con thuyền bị cơn bão “bất ngờ và dữ dội” đánh trúng khiến các tông đồ hoảng sợ, như ngài sẽ nhắc lại vào ngày 27/3/2020 trong giờ cầu nguyện đặc biệt tại Quảng trường Thánh Phêrô. Một chiếc thuyền mà chúng ta “đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời cũng quan trọng và cần thiết, tất cả đều được kêu gọi cùng nhau chèo lái, tất cả đều cần được an ủi lẫn nhau”.

 

Gần gũi với nhân loại trong thời gian phong tỏa

Thói quen cử hành Thánh lễ buổi sáng cho đến lúc đó đã thay đổi. Nếu cho đến lúc đó, sự kiện này chỉ được tường thuật tóm tắt trên các phương tiện truyền thông của Vatican, nhưng chỉ dành cho một số nhóm người nhất định, thì từ ngày đó trở đi, sự kiện này đã trở thành khoảnh khắc dành cho tất cả mọi người. Việc Đức cố Giáo hoàng cử hành Thánh lễ trực tiếp trên truyền hình, ngay lập tức cho thấy ý nghĩa của sự lựa chọn đó. Ngài giải thích: Trong những ngày này, tôi sẽ dâng Thánh lễ cầu nguyện cho những người đang bị bệnh vì dịch virút corona này, cho các bác sĩ, y tá, những người tình nguyện đã giúp đỡ rất nhiều, cho các thành viên gia đình, cho những người già đang ở viện dưỡng lão, cho những tù nhân đang bị giam giữ. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện trong tuần này, lời cầu nguyện mạnh mẽ này với Chúa: “Lạy Chúa, xin cứu độ con và thương xót con. Chân con bước trên đường ngay chính. Giữa lòng đại hội, con sẽ chúc tụng Chúa”.

 

Tiếng vọng thế giới

Tóm lại, Đức Thánh Cha Phanxicô ôm lấy những vết thương của nhân loại đang kinh hoàng và tê liệt này. Những người lắng nghe cảm thấy “được quan tâm”, được để ý trong nỗi đau thường trải qua trong sự cô đơn, trong sự bất khả thi của việc chia sẻ, của việc ôm người thân, của việc tạm biệt ông bà, cô dì, hàng xóm, bạn bè mà ngày này qua ngày khác không còn được gặp nữa. Trong bi kịch chung này, giờ hẹn buổi sáng trở thành khoảnh khắc cầu nguyện, tôn thờ Thánh Thể ngay cả qua màn hình. Như vậy, Đức Thánh Cha đã nắm lấy tay đàn chiên lạc lối của mình và sự lựa chọn này có tiếng vang đáng kinh ngạc, và ngay cả ở Trung Quốc, các tín hữu theo dõi các Thánh lễ được cử hành hàng ngày tại Nhà nguyện Thánh Marta. Mỗi ngày, trong trái tim Đức Thánh Cha Phanxicô, những khuôn mặt, câu chuyện và cuộc sống của những người dân bình thường bị đại dịch nhấn chìm lại hiện lên.

 

Di sản còn lại

Những bài giảng tại Nhà nguyện Thánh Marta giờ đây sẽ được lưu giữ trong lịch sử của triều đại giáo hoàng và của Giáo hội. Có những người đã trân trọng chúng, có những người muốn đọc chúng, và có những người vẫn chưa biết đến chúng. Cũng chính Nhà nguyện mà trong nhiều năm Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích Phúc Âm đã chào tạm biệt ngài lần cuối, nhưng trong không gian đó vẫn còn lưu giữ di sản của những lời nói, cử chỉ, sự im lặng tôn thờ, và lĩnh cữu của ngài, được đặt dưới chân bàn thờ ngay sau khi ngài qua đời, gợi lại lời ngài nói: “Lý tưởng của Giáo hội là luôn ở cùng mọi người và với các Bí tích. Luôn luôn”.

 

Vatican News

 

Vatican News -

Đức Giáo Hoàng và bức ảnh Đức Mẹ Salus Populi Romani, tình yêu của người con dành cho Mẹ

Trong một cuộc gặp gỡ với giới truyền thông, Đức Hồng y Makrickas, Phó Giám quản của Đền thờ Đức Bà Cả, đã giải thích lý do tại sao Đức Giáo hoàng Phanxicô chọn được chôn cất tại Đền thờ này: một dấu hiệu được truyền cảm hứng từ Mẹ Thiên Chúa, được mô tả trong bức ảnh mà Đức Giáo hoàng đặc biệt tôn sùng.

Chuyến viếng thăm cuối cùng. Chuyến viếng thăm đẹp nhất, bởi vì nó vượt qua mọi rào cản của thời gian và không gian và trở thành biểu hiện của đức tin vào sự Phục sinh. Đó là chuyến viếng thăm mà Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ thực hiện vào thứ Bảy ngày 26 tháng 4 năm 2025, dưới chân bức ảnh Đức. Mẹ Salus Populi Romani, bức ảnh Đức Mẹ mà truyền thống cho rằng do Thánh Luca vẽ và được lưu giữ tại Đền thờ Đức Bà Cả. Tại đây, Đức cố Giáo hoàng sẽ được chôn cất, sau Thánh lễ an táng do Đức Hồng y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng y đoàn, chủ sự tại thềm Đền thờ Thánh Phêrô ở Vatican.

 

Di chúc của Đức Phanxicô

Như đã nêu trong di chúc, Đức Jorge Mario Bergoglio đã chọn Vương cung thánh đường được xây dựng theo truyền thống vào thế kỷ thứ 4, trong thời kỳ Giáo hoàng Liberio, làm nơi ở cuối cùng trên trái đất. Trong một giấc mơ, Mẹ Thiên Chúa đã yêu cầu vị Giáo hoàng này xây dựng một nhà thờ ở nơi được đánh dấu bằng một sự kiện kỳ diệu. Và vào sáng ngày 5 tháng 8 năm 358, giữa mùa hè, một trận tuyết rơi phủ trắng Đồi Esquilino, đánh dấu chu vi của nơi thờ phượng.

 

126 lần viếng thăm trong 12 năm Giáo hoàng

126 lần Đức Phanxicô đến kính viếng ảnh Đức Mẹ Salus Populi Romani trong 12 năm Giáo hoàng: lần đầu tiên vào ngày 14 tháng 3 năm 2013, một ngày sau khi ngài được bầu làm Người kế vị thứ 265 của Thánh Phêrô; lần cuối cùng vào ngày 12 tháng 4 năm 2025, vào đêm trước Tuần Thánh; giữa vô số lời tri ân trước và sau mỗi chuyến tông du và bốn lần nhập viện tại Bệnh viện đa khoa “Gemelli”, diễn ra vào năm 2021, hai lần vào năm 2023 và cuối cùng là lần nằm viện dài nhất, 38 ngày từ ngày 14 tháng 2 đến ngày 23 tháng 3 năm nay. Đức Giáo hoàng đã muốn có chính ảnh Đức Mẹ này bên cạnh ngài trước Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 27 tháng 3 năm 2020, trong buổi cầu nguyện Statio Orbis được ngài chủ sự vào thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19.

 

Tại ngã ba đường của một cuộc hành trình

Vì vậy, ngày thứ Bảy 26/4/2025, Đức Giáo hoàng sẽ trở về dưới chân Đức Trinh Nữ, tại đền thờ Liberio, là đền thờ nhỏ nhất trong bốn Đền thờ Giáo hoàng, đền thờ duy nhất kính Đức Mẹ, đền thờ duy nhất chưa bao giờ bị phá hủy và là ngôi đền thờ lâu đời nhất kính Đức Mẹ của Kitô giáo Tây phương. Đây cũng là nơi gần nhất với nhà ga xe lửa Termini, một ngã ba đường của những con người không ngừng di chuyển. Theo một cách nào đó, một ẩn dụ về Triều đại Giáo hoàng của Bergoglio, luôn “đi ra” để gặp gỡ những người khác và gần với các vùng “ngoại vi” về mặt địa lý và hiện sinh.

“Bông hồng vàng” năm 2023

Tại đây, trong nhà thờ nơi Thánh Inhaxiô thành Loyola, đấng sáng lập Dòng Tên, nơi Đức Giáo hoàng thuộc về, đã cử hành Thánh lễ đầu tiên vào đêm Giáng sinh năm 1538; tại đây, thánh tích của Nôi Thánh đã chào đón Chúa Hài Đồng Giêsu lúc mới sinh được lưu giữ; từ giờ trở đi, Đức Phanxicô sẽ yên nghỉ tại đây. Chính ngài đã nói điều này vào tháng 12 năm ngoái, trong một cuộc phỏng vấn với Valentina Alazraki, một phóng viên người Mexico chuyên về Vatican: “Tôi muốn được chôn cất tại Đền thờ Đức Bà Cả. Nơi này đã sẵn sang”, ngài nói và nhấn mạnh lòng sùng kính mạnh mẽ của ngài đối với Đức Trinh Nữ, ngay cả trước khi được bầu lên ngai tòa Thánh Phêrô. Ngài nói: “Khi tôi ở Roma, tôi luôn đến đó vào sáng Chúa Nhật; tôi đã dành một chút thời gian ở đó. Có một mối liên kết rất mạnh mẽ”. Một lòng hiếu thảo cũng được cụ thể hóa thông qua một “Bông hồng vàng” mà vào năm 2023 Đức Phanxicô muốn tỏ lòng tôn kính với Đức Mẹ Salus Populi Romani.

 

Ngày 13 tháng 5 năm 2022

Quyết định của Đức Giáo hoàng đã chín chắn theo thời gian: như Đức Hồng y Rolandas Makrickas, Phó Giám quản Đền thờ Đức Bà Cả đã đưa tin với giới truyền thông, “mọi chuyện bắt đầu từ cuộc gặp gỡ của chúng tôi với Đức Thánh Cha vào tháng 5 năm 2022, khi trong số nhiều câu hỏi, câu hỏi về việc can thiệp vào cấu trúc của Nhà nguyện Phaolô đã nảy sinh”. Ngày diễn ra cuộc họp đó là một ngày lễ Đức Mẹ tuyệt vời, ngày 13 tháng 5, ngày kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria Fatima. “Vào dịp đó”, Đức Hồng y nhấn mạnh, “tôi đã nói với ngài, vì ngài thường xuyên đến Đền thờ, liệu ngài có nên nghĩ đến việc xây dựng lăng mộ của mình ở đây không”. Lúc đầu, Đức Giáo hoàng “nói không, nhắc lại rằng các Giáo hoàng được chôn cất tại Đền thờ Thánh Phêrô”. Tuy nhiên, một tuần sau, ngài gọi lại cho tôi và nói với tôi: “Đức Mẹ đã bảo tôi: Hãy chuẩn bị lăng mộ của con”. Và sau đó ngài nói thêm rằng ngài rất vui vì “Đức Mẹ không quên tôi”. “Ngài chỉ nói với tôi: Hãy tìm một nơi cho ngôi mộ của tôi vì tôi muốn được chôn cất tại Đền thờ này”.

 

Gần bàn thờ Thánh Phanxicô

Đức Hồng y Makrickas cho biết Đức Giáo hoàng đã giải thích ngay từ đầu rằng ngài không muốn được chôn cất bên trong Nhà nguyện Phaolô, nơi có ảnh Đức Mẹ Phần rỗi của Dân thành Roma, “bởi vì các tín hữu đến đó phải cầu nguyện với Chúa, tôn kính Đức Mẹ, chứ không phải nhìn vào lăng mộ của một Giáo hoàng”. Vì lý do này, ngôi mộ được chuẩn bị trong hốc của gian giữa Nhà nguyện Phaolô và Nhà nguyện Sforza, một trong những nhà nguyện đầu tiên được xây dựng trong Đền thờ. “Nơi này có vẻ phù hợp hơn vì một lý do khác nữa”, Đức Hồng y Makrickas nói tiếp, “bởi vì bên cạnh đó cũng có bàn thờ Thánh Phanxicô. Vì vậy, nơi này có vẻ thực sự hoàn hảo”.

 

Dưới cái nhìn yêu thương của Đức Mẹ

Vị Giáo hoàng quá cố cũng đã đưa ra cho vị Hồng y, khi đó là giám mục và ủy viên đặc biệt của Hội đồng của Đền thờ, những chỉ dẫn về việc xây dựng nơi chôn cất, những chỉ dẫn tương tự như những chỉ dẫn được ghi trong di chúc của ngài. Đức Hồng y Makrickas nhận xét: “Ngài quan tâm đến việc ngôi mộ của mình phải khiêm nhường và thiết yếu, giản dị như cuộc sống của ngài. Vì lý do này, ngôi mộ chỉ mang dòng chữ khắc tên ngài, Franciscus và bản sao của cây thánh giá đeo ngực mà ngài từng đeo, với kích thước lớn hơn. Một chi tiết khác: ngôi mộ được làm bằng đá từ miền Liguria, có nguồn gốc từ vùng đất của tổ tiên ngài”, về dòng họ ngoại của ngài.

 

Một phong cách đơn giản và thiết yếu

Đức Hồng y nói tiếp: “Đây không phải là một ngôi mộ có tính “nghệ thuật”, mà là một ngôi mộ đơn giản và thiết yếu. Hơn nữa, Đức Giáo hoàng không muốn bất kỳ thay đổi nào về cấu trúc được thực hiện. Vì lý do này, bia mộ nằm phía trên ngôi mộ vẫn còn: đó là một bia mộ lịch sử, bởi vì vào thời Trung cổ, người ta cho rằng ảnh Đức Mẹ Salus Populi Romani ban đầu được đặt phía trên cánh cửa đó”.

Đức Hồng y kết luận khi cho biết tại Đền thờ này, bảy vị Giáo hoàng khác đã an nghỉ, bao gồm Giáo hoàng đầu tiên dòng Phanxicô là Đức Nichola IV, Giáo hoàng đầu tiên dòng Đaminh là Đức Pio V, và giờ là Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên. Giáo hoàng cuối cùng được chôn cất tại đó trước Đức Phanxicô là Đức Clemente IX, vào năm 1669.

Vì vậy, giờ đây, hài cốt của Đức Phanxicô sẽ được an nghỉ bên cạnh ảnh Đức Mẹ Thiên quốc, được bảo vệ bởi ánh mắt yêu thương của Mẹ. Ngay tại thời điểm này, tại Roma, Ngày Năm Thánh Thanh thiếu niên đang diễn ra - mặc dù theo cách đơn giản hơn, như một dấu hiệu của sự tôn trọng: một dấu hiệu của một Giáo hội trẻ trung và cảm động, giống như Giáo hội mà Đức Giáo hoàng Phanxicô mong muốn và yêu mến.

 

Isabella Piro - Vatican City

 

Vatican News -

Đức Thánh Cha Phanxicô “Giáo hoàng của hoà bình, cho hoà bình”

Chúng ta nhớ đến Đức Thánh Cha Phanxicô như một vị Giáo hoàng của hòa bình, qua những lời kêu gọi không mệt mỏi và những chuyến viếng thăm liên tục của ngài để bày tỏ sự gần gũi với những người đang phải gánh chịu hậu quả của một trong những thảm họa bất công nhất do con người gây ra: chiến tranh.

Trong lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp lại điều đã trở thành khẩu hiệu trong triều Giáo hoàng của ngài về hòa bình. Mọi người đều biết rằng điều đó sẽ được lặp lại vào cuối các buổi tiếp kiến của ngài, nhưng lời kêu gọi này không bao giờ mất đi sức mạnh của nó.

Trong buổi ban phép lành Urbi et Orbi vào lễ Phục Sinh, một ngày trước khi qua đời, những lời của Đức Thánh Cha đã vang vọng lại điều mà ngài đã từng đưa ra suốt nhiều năm, thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới buông bỏ vũ khí và hướng đến đối thoại.

Ngay cả khi gặp khó khăn về giọng nói, và nhờ người khác đọc sứ điệp thay mình, giọng nói của Đức Thánh Cha, dù yếu ớt đã vang vọng khắp Quảng trường Thánh Phêrô và trên các màn hình khắp thế giới.

Ngay từ những ngày đầu tiên của triều Giáo hoàng kéo dài 12 năm, Đức Thánh Cha đã dẫn dắt phong trào Công giáo toàn cầu vì hòa bình. Qua lời nói, hành động và việc làm, ngài đã thể hiện niềm tin vững chắc vào sức mạnh của sự hòa giải, tầm quan trọng của đối thoại và sự cấp bách của việc chấm dứt bạo lực dưới mọi hình thức.

 

Lời nói và hành động

Được mệnh danh là “Giáo hoàng của vùng ngoại vi”, Đức Thánh Cha Phanxicô luôn dành thời gian để nhớ đến những người đang chịu đau khổ vì xung đột. Trong khi cầu nguyện cho hòa bình tại những khu vực thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông, ngài cũng không bao giờ quên hướng lời cầu nguyện đến những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng lại bị thế giới lãng quên.

Một trong những cử chỉ mang tính biểu tượng nhất và cũng là khoảnh khắc đặc biệt ấn tượng trong triều Giáo hoàng của ngài diễn ra vào tháng 4/2019, khi ngài quỳ xuống hôn chân các nhà lãnh đạo Nam Sudan, một đất nước đang đau khổ do cuộc nội chiến kinh hoàng. Khi đón tiếp Tổng thống Salva Kiir và đối thủ Riek Machar tại Vatican, với lòng khiêm nhường, Đức Thánh Cha đã hôn chân họ, khẩn thiết kêu gọi các nhà lãnh đạo hạ vũ khí và theo đuổi con đường hòa bình.

Lời kêu gọi cá nhân đã trở thành lời kêu gọi ngoại giao, khi bốn năm sau đó, vào tháng 2/2023, Đức Thánh Cha đến Nam Sudan. Cùng với Tổng Giám Mục Canterbury khi đó đứng đầu Liên hiệp Anh giáo, ngài đã nồng nhiệt gửi lời nhắn nhủ tới hàng ngàn tín hữu, những người đã và đang phải gánh chịu hậu quả tàn khốc của chiến tranh.

Sau đó, khi phát biểu với các nhà chức trách, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Dinh Tổng thống ở Juba, ngài đã cảnh báo: “Các thế hệ tương lai sẽ tôn vinh tên tuổi của quý vị, hoặc xóa bỏ ký ức về quý vị, tùy thuộc vào những gì quý vị đang làm”.

Lời kêu gọi hòa bình của ngài cũng hướng đến di sản của những cuộc chiến tranh trong quá khứ, những vết sẹo do các hành động tàn bạo gây ra giữa các quốc gia và dân tộc, và đảm bảo rằng những sai lầm sẽ không bao giờ lặp lại. Trong chuyến thăm Hiroshima và Nagasaki vào tháng 11/2019, Đức Thánh Cha đã đưa ra một lời kêu gọi mạnh mẽ chống lại vũ khí hạt nhân.

Đứng tại Công viên ở Nagasaki, trên chính mảnh đất mà bom nguyên tử đã gây ra sự huỷ hoại chưa từng có, ngài lên án sự tàn phá do những vũ khí này gây ra và tất cả những ai sở hữu chúng. Ngài tuyên bố: “Việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích chiến tranh, cũng như sở hữu vũ khí hạt nhân là vô đạo đức”.

Đức Thánh Cha luôn nỗ lực tìm cách giải quyết tận gốc rễ của sự tàn phá, kêu gọi những người có quyền lực phải chịu trách nhiệm. Việc ngài ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân là điều cần thiết trong vấn đề này.

Đức Thánh Cha thường xuyên lên án việc buôn bán vũ khí, nhiều lần phê bình những người kiếm lợi từ chiến tranh. Phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 24/9/2015, ngài đã đưa ra câu hỏi: “Tại sao vũ khí gây chết người lại được bán cho những kẻ có ý định gieo rắc đau thương không kể xiết cho con người và xã hội? Thật đáng buồn, câu trả lời, như chúng ta đều biết, đơn giản chỉ vì tiền: đồng tiền đẫm máu, thường là máu của những người vô tội”.

Ngài mô tả việc đầu tư tiền vào vũ khí là sự “điên rồ” và lên án món nợ gắn liền với “chợ đen” buôn bán vũ khí. Khi thế giới bước vào năm 2025, sứ điệp của ngài vẫn khẩn thiết như mọi khi: “Hãy chấm dứt thực dân hóa con người bằng vũ khí!”

 

Những cuộc hành hương vì hòa bình

Cũng giống như ở Nam Sudan, nhiều chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô với mục đích vì hòa bình. Vào tháng 3/2021, ngài đã làm nên lịch sử khi trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Iraq. Tại đó, ngài mang sứ điệp hiệp nhất và hy vọng đến một quốc gia bị tàn phá bởi nhiều năm xung đột.

Đặc biệt, cuộc gặp gỡ với Đại Giáo trưởng Ali Al-Sistani, lãnh đạo Hồi giáo Shiite Iraq tại Najaf, nhấn mạnh sức mạnh của đối thoại liên tôn giáo và sự tôn trọng lẫn nhau, Đức Thánh Cha tuyên bố: “Hòa bình không yêu cầu người thắng kẻ thua, mà là những anh chị em, dù còn những hiểu lầm và vết thương quá khứ, vẫn chọn con đường đối thoại”.

Gần đây nhất, vào tháng 9/2024, Đức Thánh Cha đã đến thăm Đông Timor, một quốc gia trẻ đã đấu tranh lâu dài để giành độc lập. Sự hiện diện của ngài là dấu hiệu mạnh mẽ về sự gần gũi với quốc gia có tỉ lệ người Công giáo cao nhất thế giới, nơi đã đấu tranh rất lâu để giành tự do và đang từng bước hồi phục.

Tại đó, trong Thánh lễ tổ chức tại Tasitolu với sự tham dự của 600.000 người, Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người: “Anh chị em đã giữ vững niềm hy vọng ngay giữa gian nan, và nhờ phẩm chất kiên cường cùng đức tin của dân tộc, anh chị em đã biến đau thương thành niềm vui”.

 

Kêu gọi ngoại giao và ngừng bắn

Bên cạnh những chuyến đi, Đức Thánh Cha còn dùng tiếng nói của mình để can thiệp vào các cuộc xung đột toàn cầu, liên tục kêu gọi chấm ngừng bắn và đối thoại hòa bình. Vào tháng 5/2014, Tổng thống Israel Shimon Peres và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã cùng gặp ngài tại Vatican trong một cuộc gặp gỡ cầu nguyện, thể hiện niềm tin của Đức Thánh Cha rằng lời cầu nguyện và đối thoại có thể mở đường cho hòa bình.

Kể từ đó, khi bạo lực tiếp tục leo thang ở Trung Đông, vào tháng 10/2024, Đức Thánh Cha đã tha thiết kêu gọi một lệnh ngừng bắn tại Gaza, trả tự do cho các con tin người Israel và mở hành lang nhân đạo để hỗ trợ những người đang cần giúp đỡ trên khắp khu vực.

Cũng trong tháng đó, sau một năm Israel tiến hành chiến dịch quân sự tại Gaza, Thủ tướng Israel Ehud Olmert và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Nasser Al-Kidwa đã trình bày với Đức Thánh Cha đề xuất hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến đang tàn phá đất nước họ.

 

Tiếng nói kiên định của người kiến tạo hòa bình

Sự gần gũi của Đức Thánh Cha với những người đau khổ và sự ủng hộ không mệt mỏi của ngài cho việc chấm dứt bạo lực toàn cầu luôn là ưu tiên hàng đầu. Ngay cả trong những lúc khó khăn về sức khỏe, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn kiên trì dấn thân cho hòa bình.

Trong những tuần cuối đời, khi đang ở bệnh viện điều trị bệnh viêm phổi, Đức Thánh Cha đã dành thời gian gọi video với giáo xứ Thánh Gia ở Gaza, nơi ngài duy trì liên lạc chặt chẽ trong suốt cuộc tấn công của Israel.

Trong Năm Thánh Hy Vọng này, các sứ điệp, sự gần gũi và sự quan tâm hòa bình của Đức Thánh Cha sẽ là di sản tiếp tục vang vọng trong tương lai của Giáo hội và nhân loại. Mọi người sẽ luôn nhớ rằng lời kêu gọi của ngài không chỉ là yêu cầu chấm dứt chiến tranh, nhưng còn là lời kêu gọi cho công lý, đối thoại và tình huynh đệ vì một thế giới dành cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho một số ít; và nơi những ai có nhiều hơn sẽ không giờ quên những người có ít hơn.

 

Vatican News

 

Vatican News -

Sứ điệp Phục Sinh và phép lành Urbi et Orbi 

Sau Thánh Lễ, lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha xuất hiện trên ban công chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô để ban Phép Lành Toàn Xá “Urbi et Orbi” cho thành Roma và toàn thế giới, dù sức khoẻ vẫn còn yếu. Đức Thánh Cha Phanxico đã chào với lời chúc Phục Sinh: Anh chị em thân mến, Chúc mừng Phục Sinh! Sau đó, Đức Thánh Cha nhờ Đức ông Ravelli đọc sứ điệp Phục Sinh.

 

SỨ ĐIỆP URBI ET ORBI
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
LỄ PHỤC SINH 2025

 

Chúa Nhật, ngày 20 tháng 4 năm 2025

Chúa Kitô đã phục sinh, Alleluia!

Hôm nay, trong Giáo Hội, cuối cùng tiếng Halleluia đã vang lên, truyền từ miệng này sang miệng khác, từ trái tim này đến trái tim khác, và lời ca ấy khiến Dân Chúa trên khắp thế giới rơi lệ vì vui sướng.

Từ ngôi mộ trống ở Giêrusalem, một tin tức chưa từng nghe đã đến với chúng ta: Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh, “không còn ở đây nữa, Người đã sống lại” (Lc 24,6). Người không còn trong mộ, Người là Đấng Hằng Sống!

Tình yêu đã chiến thắng hận thù. Ánh sáng đã chiến thắng bóng tối. Sự thật đã chiến thắng dối trá. Tha thứ đã chiến thắng sự trả thù. Sự dữ chưa biến mất khỏi lịch sử nhân loại, nó sẽ còn đó cho đến ngày tận thế, nhưng nó không còn thống trị, không còn quyền lực trên những ai đón nhận ân sủng của ngày hôm nay.

Anh chị em thân mến, đặc biệt những ai đang đau khổ và lo âu, tiếng kêu thầm lặng của anh chị em đã được lắng nghe, những giọt nước mắt của anh chị em đã được thu lại, không một giọt nào bị mất đi! Trong cuộc Khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã gánh lấy mọi sự dữ của thế giới và bằng lòng thương xót vô biên, Người đã chiến thắng: Người nhổ bỏ tính kiêu ngạo ma quỷ đang đầu độc lòng người và gieo rắc khắp nơi bạo lực cùng tham nhũng. Chiên Thiên Chúa đã chiến thắng! Vì thế, hôm nay chúng ta reo lên: “Đức Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã sống lại!” (Bài Ca Tiếp Liên Phục Sinh).

Vâng, sự phục sinh của Đức Giêsu là nền tảng của niềm hy vọng: từ biến cố này trở đi, hy vọng không còn là ảo tưởng. Không. Nhờ Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, hy vọng không làm thất vọng! Spes non confundit! (Rm 5,5). Và đó không phải là thứ hy vọng chạy trốn, nhưng là hy vọng dấn thân; không phải là thứ hy vọng xa rời thực tế, nhưng là hy vọng đầy trách nhiệm.

Những ai đặt hy vọng nơi Thiên Chúa sẽ đặt bàn tay yếu đuối của mình vào bàn tay lớn và mạnh mẽ của Người, để được Người nâng dậy và bước đi: cùng với Đức Giêsu phục sinh, họ trở thành những lữ khách của hy vọng, chứng nhân của sự chiến thắng của Tình Yêu, của sức mạnh không bạo lực của Sự Sống.

Đức Kitô đã phục sinh! Trong lời loan báo này chứa đựng trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời chúng ta, một cuộc đời không được dựng nên cho sự chết nhưng cho sự sống. Lễ Phục Sinh là ngày hội của sự sống! Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta cho sự sống và Người muốn nhân loại được phục sinh! Trong mắt Người, mọi sự sống đều quý giá! Sự sống của đứa bé trong lòng mẹ, cũng như sự sống của người già hay người bệnh, những người ngày càng bị coi là đồ bỏ đi ở nhiều quốc gia.

Bao nhiêu ý muốn gây chết chóc mà chúng ta thấy mỗi ngày trong những cuộc xung đột khắp nơi trên thế giới! Bao nhiêu bạo lực chúng ta thường thấy ngay trong các gia đình, đối với phụ nữ và trẻ em! Bao nhiêu sự khinh miệt đôi khi dành cho những người yếu thế, những người bị gạt ra bên lề, những người di cư!

Trong ngày này, tôi mong chúng ta hãy biết hy vọng và tin tưởng vào người khác một lần nữa, ngay cả những người không gần gũi với chúng ta hoặc đến từ những vùng đất xa xôi với phong tục, lối sống, tư tưởng, tập quán khác biệt với những gì chúng ta quen thuộc, bởi vì tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa!

Tôi mong chúng ta hãy tin tưởng một lần nữa rằng hòa bình là điều có thể! Từ Mộ Thánh, ngôi nhà thờ của sự Phục Sinh, nơi năm nay Lễ Phục Sinh được cử hành cùng một ngày bởi người Công giáo và Chính thống giáo, xin cho ánh sáng hòa bình tỏa chiếu khắp Đất Thánh và toàn thế giới. Tôi gần gũi với những đau khổ của các tín hữu Kitô tại Palestine và Israel, cũng như toàn thể dân tộc Israel và dân tộc Palestine. Tôi lo lắng trước bầu không khí bài Do Thái ngày càng lan rộng khắp thế giới. Đồng thời, tôi nghĩ đến người dân và đặc biệt là cộng đoàn Kitô hữu ở Gaza, nơi cuộc xung đột khủng khiếp tiếp tục gây ra cái chết và tàn phá, tạo nên một tình cảnh nhân đạo tồi tệ và đáng xấu hổ. Tôi kêu gọi các bên tham chiến: hãy ngừng bắn, hãy thả các con tin và cứu giúp người dân, những người đang đói khát và khao khát một tương lai hòa bình!

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các cộng đồng Kitô hữu ở Liban và Syria, trong khi đất nước Syria này đang trải qua một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn, mong muốn sự ổn định và được tham gia vào vận mệnh của quốc gia mình. Tôi kêu gọi toàn thể Hội Thánh hãy đồng hành với các tín hữu Kitô ở vùng Trung Đông yêu dấu bằng sự quan tâm và lời cầu nguyện.

Tôi cũng đặc biệt nghĩ đến người dân Yemen, những người đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo “kéo dài” tồi tệ nhất thế giới do chiến tranh, và tôi mời gọi mọi người hãy tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại xây dựng.

Xin Chúa Kitô Phục Sinh tuôn đổ hồng ân bình an Phục Sinh trên Ucraina đang bị tàn phá và khích lệ tất cả các bên liên quan tiếp tục nỗ lực để đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài.

Trong ngày lễ này, chúng ta hãy nghĩ đến vùng Nam Caucasus và cầu nguyện để sớm đạt được việc ký kết và thực thi một Hiệp định Hòa bình chung cục giữa Armenia và Azerbaijan, dẫn đến sự hòa giải mong đợi từ lâu trong khu vực.

Xin ánh sáng Phục Sinh khơi dậy những ý hướng hòa hợp ở vùng Tây Balkans và nâng đỡ các nhà lãnh đạo chính trị trong nỗ lực ngăn chặn leo thang căng thẳng và khủng hoảng, cũng như các đối tác trong khu vực trong việc loại bỏ những hành vi nguy hiểm và gây bất ổn.

Xin Chúa Kitô Phục Sinh, niềm hy vọng của chúng ta, ban bình an và an ủi cho các dân tộc châu Phi là nạn nhân của bạo lực và xung đột, đặc biệt ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Sudan và Nam Sudan, và nâng đỡ những ai đang đau khổ vì căng thẳng ở vùng Sahel, Sừng châu Phi và vùng Hồ Lớn, cũng như các tín hữu Kitô ở nhiều nơi không thể tự do tuyên xưng đức tin của mình.

Không thể có hòa bình ở nơi không có tự do tôn giáo hoặc nơi không có tự do tư tưởng và ngôn luận, cũng như sự tôn trọng ý kiến của người khác.

Không thể có hòa bình nếu không có giải trừ quân bị thực sự! Nhu cầu của mỗi dân tộc trong việc bảo vệ chính mình không thể biến thành một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu. Ánh sáng Phục Sinh thúc giục chúng ta phá bỏ những rào cản gây chia rẽ và mang theo hậu quả chính trị và kinh tế nặng nề. Nó thúc giục chúng ta quan tâm đến nhau, tăng cường tình đoàn kết lẫn nhau và nỗ lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của mỗi con người.

Trong thời điểm này, xin đừng thiếu sự giúp đỡ của chúng ta đối với người dân Myanmar, vốn đã chịu đựng nhiều năm xung đột vũ trang, nay đang đối mặt với hậu quả của trận động đất tàn khốc ở Sagaing với lòng can đảm và kiên nhẫn, một thảm họa đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và gây đau khổ cho vô số người sống sót, trong đó có trẻ mồ côi và người già. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân và người thân của họ, và chân thành cảm ơn tất cả những tình nguyện viên quảng đại đang tham gia cứu trợ. Lời thông báo về lệnh ngừng bắn từ nhiều phía ở đất nước này là một dấu hiệu hy vọng cho toàn thể Myanmar.

Tôi kêu gọi tất cả những ai có trách nhiệm chính trị trên thế giới đừng nhượng bộ trước logic của nỗi sợ hãi đóng kín, nhưng hãy sử dụng các nguồn lực sẵn có để giúp đỡ người nghèo khổ, chống lại nạn đói và hỗ trợ các sáng kiến thúc đẩy phát triển. Đây mới là những “khí cụ” của hòa bình: những thứ xây dựng tương lai, thay vì gieo rắc cái chết!

Xin đừng bao giờ đánh mất nguyên tắc nhân đạo làm trụ cột cho hành động hằng ngày của chúng ta. Trước sự tàn bạo của những cuộc xung đột nhắm vào thường dân vô tội, tấn công trường học và bệnh viện cùng các nhân viên cứu trợ nhân đạo, chúng ta không thể quên rằng những mục tiêu bị tấn công không phải là đồ vật, mà là những con người có linh hồn và nhân phẩm.

Và trong Năm Thánh này, xin cho Lễ Phục Sinh cũng là dịp thuận tiện để phóng thích các tù nhân chiến tranh và tù nhân chính trị!

 

Anh chị em thân mến,

Trong Lễ Phục Sinh của Chúa, sự chết và sự sống đã đối đầu trong một cuộc chiến kỳ diệu, nhưng giờ đây Chúa sống mãi mãi (Bài Ca Tiếp Liên Phục Sinh) và ban cho chúng ta niềm xác tín rằng chúng ta cũng được mời gọi tham dự vào sự sống không bao giờ tàn lụi, nơi sẽ không còn nghe tiếng súng đạn và vang vọng của tử thần. Chúng ta hãy phó thác cho Người, Đấng duy nhất có thể đổi mới mọi sự (Kh 21,5)!

Chúc mọi người một Lễ Phục Sinh an lành!

Cuối cùng Đức Thánh Cha ban phép lành toàn xá!

 

Vatican News

 

Vatican News -

VATICAN CÔNG BỐ LOGO CHÍNH THỨC CỦA NĂM THÁNH 2025 

Trong cuộc họp báo ngày 28/6/2022, Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, nguyên Chủ tịch Hội đồng Toà thánh về Tái truyền giảng Tin Mừng trước đây, hiện là Quyền Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, đã công bố logo chính thức của Năm Thánh sẽ được tổ chức vào năm 2025 với chủ đề “Những người hành hương của hy vọng”.

Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella nhắc lại rằng khi các công việc chuẩn bị bắt đầu trong Giáo hội cho Năm Thánh, Hội đồng Toà thánh về Tái truyền giảng Tin Mừng trước đây đã phát động một cuộc thi dành cho tất cả mọi người, để sáng tạo logo.

Ngài cho biết có tổng cộng 294 bài dự thi đã được gửi từ 213 thành phố và 48 quốc gia khác nhau, và những người tham gia có độ tuổi từ 6 đến 83. Có nhiều bài vẽ tay của các trẻ em với tràn đầy trí tưởng tượng và đức tin đơn sơ.

Vào ngày 11/6/2022, Đức Tổng Giám mục Fisichella đã đệ trình ba bản chung kết lên Đức Thánh Cha để chọn ra một bản vẽ khiến ngài cảm động nhất. Đức tổng cho biết: “Sau khi xem xét các dự án nhiều lần và bày tỏ ý thích của mình, Đức Thánh Cha đã chọn bản thiết kế của Giacomo Travisani.”

 

Ý nghĩa logo

Giải thích về logo, tác giả Giacomo Travisani cho biết mình đã tưởng tượng cách thế tất cả mọi người cùng nhau tiến bước, có thể tiến bước “nhờ ngọn gió Hy vọng là Thánh giá của Chúa Kitô và chính Chúa Kitô.”

Logo trình bày bốn nhân vật cách điệu, biểu thị tất cả nhân loại từ bốn phương của trái đất. Mọi người đều ôm nhau, biểu thị tình liên đới, huynh đệ đoàn kết các dân tộc. Người thứ nhất đang bám vào Thánh giá. Những con sóng bên dưới vỗ mạnh để chỉ ra rằng cuộc hành hương của cuộc sống không phải lúc nào cũng trên mặt nước phẳng lặng.

Bởi vì các hoàn cảnh cá nhân và các sự kiện thế giới thường mời gọi một cảm giác hy vọng lớn hơn, một mô tả của logo với phần dưới của Thánh giá được thuôn dài biến thành mỏ neo, làm im chuyển động của các ngọn sóng. Mỏ neo thường được sử dụng như ẩn dụ cho hy vọng.

Hình ảnh cho thấy cuộc hành trình của người hành hương không phải là cá nhân, mà là mang tính cộng đồng, với những dấu hiệu của một sự năng động ngày càng tiến về phía Thánh Giá.

Đức tổng Fisichella gợi ý: “Thánh giá không tĩnh tại, mà là năng động, hướng đến và gặp gỡ nhân loại như thể không muốn bỏ mặc nó, mà là mang đến sự chắc chắn về sự hiện diện của Thánh giá và sự bảo đảm của hy vọng”.

Châm ngôn của Năm Thánh 2025, “Những người hành hương của hy vọng”, màu xanh lục, cũng được thấy rõ.

 

Hồng Thủy

 

Tìm Hiểu & Sống Thánh Lễ -

Ý NGHĨA CỦA VIỆC ĐI LỄ NGÀY CHÚA NHẬT 

Tại sao đạo Công Giáo lại bắt các tín hữu phải đi lễ vào Chúa Nhật? Con đi lễ từ thứ hai đến thứ bảy chẳng lẽ không bằng một người chỉ đi lễ ngày Chúa Nhật à?

Chào bạn,

Bất cứ một tôn giáo nào cũng có những buổi cử hành lễ tế như là một hành vi thờ phượng dành cho Đấng Tối Cao của mình. Đối với người Công Giáo, hành vi thờ phượng được cho là cao nhất chính là việc hiệp cùng với vị linh mục dâng thánh lễ. Trong thánh lễ ấy, chúng ta tái hiện lại cuộc tế lễ năm xưa Đức Giêsu đã dâng trên cây thập giá. Người dâng là Đức Giêsu, của lễ dâng lên Chúa Cha cũng chính là Đức Giêsu. Thánh lễ là một cuộc quy tụ của cả vũ trụ hướng về tâm điểm Giêsu, để cùng Giêsu hướng về Cha. Bởi thế, ơn ích mà một thánh lễ mang lại là rất lớn và không sao đo lường được. Tự bản chất, thánh lễ là vô giá, dù nó được cử hành ở nơi trang nghiêm như các Vương Cung Thánh Đường rộng lớn hay nơi một nhà tù dơ bẩn ẩm thấp, dù do Đức Giáo Hoàng chủ sự hay một cha già nằm trên giường bệnh dâng. Vậy nếu thánh lễ là vô giá thì dù bạn đi lễ ngày thường hay ngày Chúa Nhật thì xét về mặt ơn ích, bạn vẫn lãnh nhận được cùng một ơn lành.

Việc muốn các tín hữu đi lễ ngày Chúa Nhật như một điều bắt buộc không liên quan đến tính giá trị của một thánh lễ (vì như đã nói ở trên, thánh lễ nào cũng đều vô giá cả), nhưng liên quan đến ý nghĩa đặc biệt của ngày Chúa Nhật và mức độ ưu tiên của nó hơn những ngày khác trong tuần. Thiên Chúa là Đấng vượt trên không gian và thời gian, nếu đối với Ngài, ngày nào cũng như ngày nào. Nhưng đối với con người thì không như vậy. Không chỉ riêng trong lĩnh vực tôn giáo, nhưng chính kinh nghiệm bản thân cũng cho chúng ta thấy rằng ngày Chúa Nhật có cái gì đó khác với những ngày khác. Nó là một ngày đặc biệt hơn, chất chứa nhiều ý nghĩa hơn. Chúng ta hãy cùng điểm lại một vài chi tiết trong Kinh Thánh cho thấy ý nghĩa trọng đại có một không hai của ngày Chúa Nhật khiến cho nó trở thành ngày trọng đại để dâng lễ tế. 

Trước hết, trong trình thuật Sáng Thế, tác giả cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã hoàn tất công trình tạo dựng và “ngày thứ bảy [tức là ngày Chúa Nhật của mình] Người nghỉ ngơi và Thiên Chúa chúc lành cho ngày này” (x. St 2,3). Trong sách Xuất Hành, khi ban luật cho dân, Thiên Chúa đã nói rằng “trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Nhưng ngày thứ bảy [ngày Chúa Nhật] là hưu lễ kính Thiên Chúa của ngươi; ngươi không được làm bất cứ việc nào, ngươi và con trai con gái ngươi, tớ trai tớ gái của ngươi. Vì trong sáu ngày, Thiên Chúa đã làm nên trời đất, biển và tất cả mọi sự trong các nơi ấy, nhưng Người đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy, bởi thế, Thiên Chúa đã chúc lành cho ngày thứ bảy và tác thành nó” (Xh 20,9-11).

Trong thời gian lưu đày ở Babilon, dân Israel rơi vào khủng hoảng. Họ tự vấn, không biết Thiên Chúa bây giờ ở đâu vì lúc đó không còn Đền Thờ, không còn đất hứa như lời Thiên Chúa đã hứa cùng tổ phụ Apraham và với vua Đa-vít nữa. Chính lúc này, Thiên Chúa cho họ biết rằng Thiên Chúa không còn ngự ở một nơi (Đền Thờ) như trước, nhưng là hiện diện trong một thời gian, đó chính là ngày Sabat (ngày Chúa Nhật). Ngày Sabat là ngày của Thiên Chúa, ngày Thiên Chúa đưa đến hoàn tất tất cả những gì còn dang dở trong công trình tạo dựng. Việc Đức Giêsu làm phép lạ chữa lành các bệnh nhân trong ngày Sabat chính là để thể hiện ý này: Ngài cho thấy mình là Thiên Chúa, đến để hoàn tất công trình cứu độ. (Tiếc thay, những người Pharisêu đã không hiểu, lại còn lên án Đức Giêsu). 

Hơn hết, ngày Chúa Nhật là ngày quan trọng vì đó là ngày là Đức Giêsu – Chúa chúng ta – đã phục sinh. Điều này một lần nữa bổ sung cho tính “hoàn tất” của ngày Chúa Nhật. Với sự phục sinh của Đức Giêsu, ngày Chúa Nhật mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nó cho thấy sự hoàn thành của một công trình tạo dựng mới mà Thánh Thần thực hiện nơi Đức Giêsu. Đó cũng chính là đỉnh điểm của ơn cứu độ và là điểm đến của mọi loài thụ tạo trong trời đất. Từ ý nghĩa này, ngày Chúa Nhật được Giáo Hội chọn để tất cả con cái mình ở khắp nơi quy tụ về với nhau, cùng nhau long trọng dâng lên Thiên Chúa Cha lời tạ ơn từ sâu thẳm con tim mình, tưởng nhớ rằng chính vào ngày này là ngày Thiên Chúa hoàn tất mọi sự, ngày mà chúng ta được thánh hoá, ngày ân sủng của Thiên Chúa, “ngày Thiên Chúa làm ra”. Họp nhau vào ngày Chúa Nhật tại thế giới này báo trước một cuộc họp mặt với nhau trong bàn tiệc vĩnh cữu trên trời mai sau. Thánh lễ ngày Chúa Nhật là một lễ tế của toàn thể dân Chúa, nó mang tính chất của một cộng đoàn là toàn thể Giáo Hội. Nó hệt như ngày tất cả con cái về nhà với cha mẹ, thăm cha mẹ, cùng nhau chia sẻ bữa ăn thân mật và trò chuyện vui vẻ với nhau. 

Trong mỗi thánh lễ, Chúa cần hơn hết nơi chúng ta một tấm lòng. Thánh lễ sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng ta chỉ đi vì bắt buộc, vì thói quen. Nếu không vì yêu mến, không xuất phát từ việc ý thức được tầm quan trọng của nó, ta sẽ cảm thấy việc đi lễ là một điều gì đó rất nặng nề. Quả thật, nếu bạn hiểu được ý nghĩa của thánh lễ, đặc biệt là thánh lễ của ngày Chúa Nhật, bạn sẽ không đặt lên bàn cân để so sánh mức độ hơn kém thiệt hơn là các thánh lễ ngày thường với thánh lễ ngày Chúa Nhật. 

Ngoài ra, cũng cần phải ý thức rằng, Thiên Chúa và mẹ Giáo Hội không khắc khe đến độ đòi buộc các tín hữu phải đi lễ ngày Chúa Nhật bằng mọi giá. Nếu bạn gặp phải một lý do nào đó bất khả kháng như bệnh tật, đang ở nơi không có linh mục… thì chỉ cần bạn hướng lòng về Chúa thì cũng đã làm cho Ngài vui lòng rồi. Thử lấy một ví dụ thế này: khi có người yêu, ta có thể quan tâm và tặng quà cho người yêu vào bất cứ ngày nào. Nhưng nếu mình quan tâm, đến thăm và tặng quà cho người yêu vào đúng một ngày nào đó có ý nghĩa đặc biệt của người ấy (sinh nhật…) hoặc của cả hai (ngày Valentine hoặc kỷ niệm ngày quen nhau…) thì điều đó sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều, phải không?

Đến đây, chắc là bạn đã có thể tự trả lời cho câu hỏi của mình rồi nhỉ!

Xin Chúa chúc lành cho bạn!

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ.

 

Noi Gương Thánh Bổn Mạng GX -

THÁNH ANRÊ TRẦN AN DŨNG LẠC – LINH MỤC (1795 - 1839) 

Thánh Anrê Dũng Lạc sinh năm 1795 tại tỉnh Bắc Ninh. Cha mẹ là những người ngoại giáo nghèo. Năm cậu Trần An Dũng Lạc 11 tuổi thì cha mẹ di chuyển gia đình tới Hà Nội để tìm cách mưu sống. Vì gia đình quá nghèo nên cha mẹ cậu gửi gắm cậu cho một Thầy Giảng giúp đỡ nuôi dưỡng, cho cậu ăn học. Cậu là một đứa trẻ rất thông minh, có trí nhớ lạ lùng, chỉ trong một tuần lễ cậu đã học hết cuốn sách giáo lý. Tính tình hiền lành, lại rất ngoan ngoãn, siêng năng chu toàn với mọi công việc được giao phó. Năm 12 tuổi, cậu được  Rửa Tội,  nhận tên thánh là Anrê. Sau đó cậu được gửi vào trường Vĩnh Trị do cha Leroy Lan làm Bề trên. Tại trường Vĩnh Trị, cậu siêng năng cần mẫn. Cậu học chữ Nho và La tinh một cách mau chóng và dễ dàng. Cậu có năng khiếu về thơ phú và giao tiếp với mọi người một cách lịch thiệp hoà nhã. Các bạn đồng lớp nói rằng cậu chỉ đọc qua một đoạn sách hai lần là cậu đã nhớ thuộc lòng. Sau 8 năm ở trường Vĩnh Trị, cậu lãnh bằng Thầy Giảng.

Sau 10 năm làm Thầy Giảng và học tiếp 3 năm Thần học, ngày 15 tháng 3 năm 1823 thầy Anrê Trần An Dũng Lạc được Đức Cha Longer phong chức linh mục cùng lớp với thánh Ngân và thánh Nghi. Lúc đó, cha Dũng Lạc mới 28 tuổi. Sau đó, cha Dũng Lạc được bổ nhiệm làm cha phó xứ ở Đồng Chuối, giúp cha Khiết, rồi giúp cha Thi ở xứ Đoài và cha Thuyết ở xứ Sơn Miêng. Một thời gian sau, Đức Giám mục bổ nhiệm cha về làm chánh xứ giáo xứ Kẻ Đầm. Lúc ấy, cha Anrê Trần An Dũng Lạc đã 40 tuổi. Dù là cha phó hay cha chánh, dù ở bất cứ nơi nào, cha cũng đưọc mọi người yêu quý vì tính tình hiền hoà, xử sự khôn ngoan, lại giảng giải sốt sắng, dễ hiểu. Đối với giáo dân, cha dễ dãi, hoà đồng, vui vẻ. Nhưng với chính mình thì cha rất nhiệm nhặt trong cách ăn mặc. Cha ăn chay hằng tuần trong các ngày thứ Tư và thứ Sáu. Cha luôn quan tâm giúp đỡ những người nghèo khó, ưu ái chia sẻ cơm áo cho những người cần tới cha. Cha hết lòng hy sinh với nhiệm vụ của một chủ chăn. Cha ân cần lo lắng tới đời sống thiêng liêng của từng giáo dân.

Ngày 6 tháng 1 năm 1833 vua Minh Mạng ban hành sắc chỉ cấm đạo một cách gay gắt, cha phải ẩn trốn tại các gia đình tín hữu, nay ở nhà này mai ở nhà kia. Nhưng rồi tình hình cũng không yên ổn nên cha lại phải trốn lên Kẻ Roi và lập nhà xứ ở đó.

Một hôm trong năm 1835 khi cha vừa dâng lễ xong tại Kẻ Sui thì quân lính xông tới. Cha vội cởi áo lễ trao cho mấy người tín hữu cất giấu còn cha thì ngồi lẫn lộn trong đám dân đông đảo. Quân lính tới bắt cha cùng với 30 người khác. Ông tổng Thìn phải đưa 6 nén bạc cho quan Hào Khánh ở Đôn Thư xin dàn xếp với quan phủ cho cha khỏi bắt. Quan huyện Hào Khánh lấy 4 nén bạc còn 2 nén cho người nhà quan phủ và trình rằng: “Cậu tôi về xem lễ ở Kẻ Sui mà quan bắt thì xin tha”. Quan tha cho cha còn những người khác thì sau đó cũng lần lượt được tha hết. Từ đây quan quân đã biết tên cha Trần An Dũng, nên cha đổi tên là Lạc. Vì thế, cha mới có tên là Trần An Dũng Lạc.

Lần khác, khi cha tới Kẻ Sông lén lút gặp cha Phêrô Trương Văn Thi để xưng tội thì không may bị lý Pháp là lý trưởng làng Kẻ Sông theo dõi, đưa gia nhân tới đột kích bắt hai cha. Tín hữu nghe tin hai cha bị lý Pháp bắt thì kéo nhau tới đông đảo xin lý Pháp tha cho hai cha. Lý Pháp đòi các tín hữu phải nộp 200 quan thì sẽ tha. Các tín hữu gom góp chỉ được 100 quan thì lý Pháp nhận 100 quan và chỉ tha cho cha Dũng Lạc còn cha Phêrô Trương Văn Thi thì bị bắt giải lên nộp cho quan huyện Bình Lục. Cha Anrê Trần An Dũng Lạc được tha, nhưng trên đường trở về thì lại gặp trời mưa to gió lớn, thuyền cha phải ghé vào bờ trú ẩn tại ngôi nhà quen thân thì đột nhiên lại bị một bọn lính khác tới khám xét. Thế là cha bị bắt lần thứ ba, bị trói giải về nộp cho quan huyện Bình Lục, còn các người khác sợ hãi bỏ chạy trốn hết. Về tới huyện cha Dũng Lạc lại gặp cha Trương Văn Thi cũng đã được giải về nộp cho quan huyện Bình Lục. Thế là từ đây số phận của hai cha dính liền với nhau, cùng bị giam, bị tra khảo, cùng chết và cùng lãnh nhận triều thiên Tử Đạo trên thiên quốc cùng một ngày với nhau.

Tại huyện Bình Lục, quan huyện xử đối với hai cha rất tử tế. Quan truyền cho lính dọn cơm cho hai cha bằng mâm và chén bát của mình. Quan thấy cha Trương Văn Thi già yếu, quan hỏi lính cha có chăn mền không thì lính thưa là cha có chăn mền nhưng ông lý Pháp đã tịch thu tất cả của cha rồi. Quan nghe nói thì nóng giận quát lớn: “Bảo thằng lý Pháp phải trao trả lại cho cha”. Có lần quan huyện Bình Lục đã tâm sự với hai cha rằng: “Thưa hai Cụ, phép triều đình cấm đạo và giết các Cụ, chứ không phải tôi. Tôi không có tội gì trong việc này”.

Nghe quan thế nói, các cha chỉ mỉm cười. Mặc dù bị giam nhưng hai cha vẫn vui vẻ chuyện trò với mấy anh lính canh. Có người hỏi cha: “Các Cụ bị bắt mà sao các cụ nói chuyện vui vẻ thế, các Cụ không sợ chết à?” Cha Dũng Lạc vui vẻ trả lời: “Vua cấm đạo và Đức Cha Trời định cho tôi phải bị bắt. Tôi không sợ. Trái lại, tôi lại vui vì được chịu khó vì Chúa tôi thờ”.

Giữ hai cha ba ngày tại huyện, sau đó quan huyện Bình Lục tiễn hai cha xuống thuyền, đưa hai cha về Hà Nội nộp cho quan đốc tỉnh. Biết tin hai cha phải về Hà Nội, các tín hữu kéo nhau tới thương khóc từ giã hai cha rất đông. Nhiều tín hữu đã góp tiền và trình với Đức Cha Retord Liêu và Đức Cha cũng đồng ý để họ đưa tiền tới xin chuộc hai cha. Nhưng cha Dũng Lạc nghĩ rằng đây là lần thứ ba đã bị bắt, chắc là ý Chúa muốn như thế nên cả hai cha đã không đồng ý để giáo dân đem tiền tới xin chuộc hai cha. Lúc tiễn hai cha xuống thuyền, nhiều người đi theo gào khóc rất thảm thiết. Thấy vậy, quan huyện lấy làm lạ nói: “Đạo trưởng có cái gì mà dân chúng thương tiếc than khóc quá như vậy?” Nghe quan huyện hỏi như thế, một bà cụ đứng gần đó đáp lại: “Bẩm quan, các cha dạy chúng tôi những điều tốt lành, không cờ bạc, rượu chè, dy vợ chồng phải thuận thảo, thủy chung với nhau như trong đạo lý răn dạy. Tại sao lại giết người lành như thế ?”

Bước xuống thuyền rồi, hai cha thấy dân chúng thương khóc quá sức như vậy thì hai cha xin quan nói mấy lời để an ủi và khích lệ mọi người hãy sống đạo tốt lánh hơn: Hãy yêu thương nhau và trung thành với đạo thánh Chúa. Không nên khóc lóc làm gì vì chỉ làm thêm đau khổ cho nhau mà thôi.

Con thuyền đưa hai cha đi Hà Nội, ngày 16 tháng 11 hai cha tới Hà Nội và được đưa ngay vào nhà giam để ngày hôm sau là ngày 17 tháng 11, các cha được đưa ra trước mặt các quan để bị thẩm vấn. Trong một lá thư cha Dũng Lạc viết cho Đức Cha Jeantet đã kể lại rằng: Ngày 17 tháng 11 quan đã nộp chúng con cho quan án để truyền lệnh bắt chúng con phải bước qua Thập Giá. Vì chúng con cương quyết không chịu bước qua nên sáu anh lính đã xông tối khiêng nhắc bổng chúng con lên đưa qua Thập Giá, cha Phêrô Thi đã ôm được Thập Giá và hôn kính. Còn con thì con co chân lên rất cao và nói với họ: “Hãy chặt chân tôi đi. Tôi rất vui lòng chứ đừng hy vọng tôi bỏ đạo”. Sau đó các quan hỏi con: “Tại sao đạo lại không cho phép thờ kính tổ tiên?” Con trả lời: “Nếu có ai chào cha mẹ khi các ngài đang ngủ, thì không kể là tôn kính, vì các ngài ngủ không biết gì. Cũng một lẽ ấy còn một mạnh mẽ hơn đối với những người đã chết.”

Ngày 19 tháng 11 các quan lại gọi chúng con ra tòa lần thứ hai để khuyên dụ và ép buộc chúng con bước qua Thập Giá. Lần này các quan bắt chúng con phải đeo gông nặng hơn. Tới ngày 21 tháng 11 thì họ lại thay gông bằng xiềng xích. Xiềng xích của cha Phêrô Thi nhẹ hơn xiềng xích của con. Con thương cha Phêrô Thi vì già yếu mà phải chịu nhiều cực hình quá. Nhiều lúc con ngồi suy nghĩ mà chảy nước mắt vì nhớ tới những anh em Thừa Sai đang phải trốn tránh để rao giảng Tin Mừng của Chúa.

Nhận được thư của cha Anrê Dũng Lạc, Đức Cha Jeantet vội biên mấy lời khích lệ và an ủi hai cha, khuyên hai cha vững lòng bền chí, can đảm chịu mọi sự khó. Đức Cha và mọi người đều sốt sắng cầu nguyện cho hai cha luôn xứng đáng là những chiến sĩ Đức Tin vững mạnh của Chúa. Được thư của Đức Cha, hai cha vui mừng và xúc động. Cha Dũng Lạc viết lại để cám ơn Đức Cha. Trong thư cha viết: “Chúng con vô cùng an ủi và xúc động chảy nước mắt khi đọc thư của Đức Cha. Chúng con thật lòng biết ơn vì nhờ Đức Cha và các vị Thừa Sai mà chúng con được biết Chúa. Chúng con không biết phải nói làm sao để diễn đạt lòng biết ơn sâu xa của chúng con. Trong nhà tù này rất khó khăn để viết thư cũng như để nhận thư. Xin Đức Cha hiểu cho lòng trung tín và hiếu thảo của chúng con. Xin Đức Cha cầu nguyện cho chúng con trung thành với Chúa và luôn sẵn lòng vui vẻ được chết vì Chúa. Lòng chúng con tin vững mạnh nơi Chúa như núi Thái.

Tình trạng ngồi tù kéo dài mãi, hai cha nóng lòng chờ đợi giờ phút được đổ máu ra để làm chứng nhân cho Chúa, mãi tới ngày 30 tháng 11, các quan cho gọi hai cha ra toà. Trước hết các quan khuyên dụ hai cha bước qua Thập Giá và bỏ đạo. Khuyên dụ mãi không xong, các quan bắt hai cha ký giấy nhận bản án. Sau khi các ngài ký nhận, quan đốc tỉnh nói với quan chánh án: “Bọn chúng bám vào tôn giáo đến nỗi điên khùng. Đạo gì mà làm cho con người mê mẩn đến như thế? Thật khó hiểu!” Nhiều lần bị tra khảo nhưng không bị đánh đập tàn nhẫn như những trường hợp khác, chỉ bị bọn lính tát một hai cái.

Ngày  mồng 1 tháng 11 năm 1839 là ngày lễ kính Các Thánh, cha Trân giả dạng người làm ruộng vào thăm hai cha trong tù. Cha Trân đưa Mình Thánh Chúa cho hai cha. Vừa thấy cha Trân, cha Dũng Lạc vui vẻ chào: “Xin chào bác! Tôi đợi bác thăm nuôi đây”. Sau đó cha Trân trao Mình Thánh Chúa cho cha Dũng Lạc. Hai người nói nhỏ với nhau ít điều rồi cha Trân vội vã rút lui. Cha Dũng Lạc chịu Mình Thánh Chúa rồi âm thầm trao cho cha Thi. Hai cha vui mừng tạ ơn Chúa vì Chúa đã thương tới thăm viếng các Ngài trong nhà tù và tăng sức mạnh để các Ngài thêm mạnh mẽ, can đảm tuyên xưng danh Chúa trước mặt vua quan.

Vài tuần lễ sau, các Ngài được lệnh tới gặp quan án. Quan chánh án đưa bản án do vua Minh Mạng châu phê để các Ngài ký nhận. Sau khi ký nhận bản án, cha Dũng Lạc trở về nhà giam vui vẻ, cao hứng làm một bài thơ diễn tả tâm sự gửi cho cha bạn là cha Thực. Bài thơ như sau:

Lạc rầy đã rõ chốn quân quan

Bút chép thơ này gửi thở than

Lòng nhớ bạn, vẫn còn vất vả

Dạ thương khách, chạy chữa yên hàn

Đông qua tiết lại thì xuân tới

Khổ trảm mai sau hưởng phúc an

Làm kẻ anh hùng chi quản khó

Nguyện xin cùng gặp chốn Thiên Đàng.” 

Sáng ngày 21 tháng 12 năm 1839, quan quân tới nhà giam công bố lệnh xử án và truyền lệnh ra pháp trường. Hai cha vui mừng tạ ơn Chúa. Các ngài hát mấy câu kinh tạ ơn “Te Deum” bằng Latin rồi chuẩn bị sẵn sàng theo đoàn quan quân tiến ra pháp trường lãnh án chém đầu để làm chứng nhân cho đạo thánh Chúa. Trên đường đi, các Ngài vui vẻ, nét mặt tươi vui hớn hở. Cha thánh Dũng Lạc chắp tay vừa đi vừa cầu nguyện. Tới nơi xử, các Ngài quỳ trên chiếc chiếu đã được các tín hữu đã trải sẵn. Người lý hình tiến lại nói nhỏ với cha: “Chúng tôi không biết các Thầy có tội gì. Chúng tôi chỉ làm theo lệnh trên bắt chúng tôi phải làm. Xin các Thầy đừng chấp chúng tôi. Xin các Thầy cầu nguyện cho chúng tôi khi các Thầy về Trời”. Cha Dũng Lạc tươi cười nói với các anh: “Quan lớn đã truyền, các anh cứ thi hành”.

Sau đó hai ngài cầu nguyện ít phút rồi nghiêng đầu cho lý hình chém. Nhiều người đứng chứng kiến đã kể lại rằng họ đã nhìn thấy một con chim trắng to lớn hơn chim bồ câu bay lượn trên các ngài lúc các ngài bị hành quyết. Hôm đó là ngày 21 tháng 12 năm 1839 tại pháp trường cửa ô Cầu Giấy, Hà Nội, giáp đường lên tỉnh Tây Sơn. Thi hài cha thánh Dũng Lạc được đưa về an táng tại nhà bà Lý Qúy, gần Cầu Giấy, Hà Nội.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong cha Dũng Lạc lên bậc Chân Phước cùng với cha thánh Phêrô Trương Văn Thi ngày 27 tháng 5 năm 1900, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng hai Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

 

Tác giả Lm. Nguyễn Đức Việt Châu

 

Hãy Luôn Sống Kết Hiệp Với Chúa Giê-su Thánh Thể -

KINH RƯỚC LỄ THIÊNG LIÊNG 

Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa con ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa con trên hết mọi sự, cùng ước ao chịu lấy Chúa con trong linh hồn con. Song le bởi vì bây giờ con chẳng có thể mà chịu Chúa con cho thật được, thì xin Chúa con ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng vậy, chẳng khác gì như Chúa con đã ngự vào thật, thì con xin ẵm lấy cùng hợp làm một cùng Chúa con cho trọn, xin Chúa con chớ để cho con lìa bỏ Chúa con bao giờ. Amen. 

Spiritual Communion Prayer

My Jesus, I believe that you are present in the most Blessed Sacrament. I love You above all things and I desire to receive You into my soul. Since I cannot now receive You sacramentally, come at least spiritually into my heart. I embrace You as if You were already there, and unite myself wholly to You. Never permit me to be separated from You. Amen.

Prière de communion spirituelle 

Mon Jésus, je crois que vous êtes ici présent dans le Saint-Sacrement. Je vous aime par-dessus tout chose et je désire ardemment vous recevoir dans mon âme. Puisque je ne puis, à cette heure, vous recevoir sacramentellement, venez au moins spirituellement dans mon cœur. Comme si vous y étiez déjà présent, je vous adore et tout entier je m’unis à vous. Ne permettez pas que je me sépare jamais de vous. Amen.

 

Tìm Hiểu & Sống Thánh Lễ -

HÃY TRỞ LẠI VỚI THÁNH LỄ!

Tại sao Thánh lễ có tầm quan trọng quyết định như thế? Công đồng Vaticanô II dạy cách xác tín rằng Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh đời sống Kitô hữu” – điều đó có nghĩa là: Kitô giáo đích thực phát xuất từ Thánh Thể và quy hướng về Thánh Thể... 

CÂU CHUYỆN SUY TƯ
HÃY TRỞ LẠI VỚI THÁNH LỄ!

Mười lăm tháng qua là thời gian khủng hoảng và nhiều gay go đối với đất nước chúng ta [Hoa Kì], và là một thử thách đặc biệt đối với người Công Giáo. Trong suốt giai đoạn COVID kinh khủng này, nhiều người trong chúng ta bị buộc ngưng tham dự Thánh lễ và Rước lễ. Thật vậy, vô số Thánh lễ và việc tôn sùng Thánh Thể được thực hiện trực tuyến, cám ơn Chúa vì điều này. Nhưng các tín hữu đã biết tận xương tủy rằng sự tham dự trực tuyến như thế tuyệt đối không thay thế cho việc tham dự thật. Bây giờ các cửa nhà thờ đang bắt đầu mở rộng, tôi muốn thúc giục mọi tín hữu đọc những lời này: Hãy trở lại với Thánh lễ!

Tại sao Thánh lễ có tầm quan trọng quyết định như thế? Công đồng Vaticanô II dạy cách xác tín rằng Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh đời sống Kitô hữu” – điều đó có nghĩa là: Kitô giáo đích thực phát xuất từ Thánh Thể và quy hướng về Thánh Thể. Thánh Thể là khởi nguyên và cùng tận của đời sống tâm linh, vừa là con đường vừa là cùng đích của người môn đệ Chúa Kitô. Các Giáo phụ đã mạnh mẽ dạy rằng Bí tích Thánh Thể là lương thực ban sự sống đời đời. Các ngài muốn nói rằng theo mức độ chúng ta tiếp nhận Mình và Máu Chúa Giêsu, chúng ta được chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống với Ngài ở đời sau. Thánh Tôma Aquinô đã nói rằng tất cả các Bí tích khác chứa đựng quyền năng của Chúa Kitô (virtus Christi) còn Bí tích Thánh Thể chứa đựng chính Chúa Kitô (ispe Christus) – và điều này giúp giải thích lí do thánh Tôma không thể dâng Thánh lễ mà không đầm đìa nước mắt. Chính nơi Thánh Lễ mà chúng ta được ban đặc ân lãnh nhận tặng phẩm có một không hai này. Chính nơi Thánh Lễ chúng ta nhận được thứ lương thực không thể thiếu. Không có Thánh Thể, tâm linh chúng ta chết đói.

Nếu tôi mở rộng phạm vi một chút, tôi xin nhắc lại rằng, cách chung, Thánh Lễ là nơi dành riêng để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Trong Phụng vụ lời Chúa, chúng ta không đơn thuần nghe những lời của con người do các thiên tài thi ca soạn ra, mà đúng hơn là lời của Ngôi Lời. Trong các bài đọc, đặc biệt bài Tin Mừng, chính Chúa Kitô nói với chúng ta. Phần chúng ta, chúng ta thưa lại với Người, bước vào bên trong cuộc đối thoại với Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Rồi tiếp đến, trong Phụng vụ Thánh Thể, cũng chính Chúa Giêsu, Đấng đã mở lòng với chúng ta, hiến dâng Mình và Máu của Người cho chúng ta hưởng dùng. Trước khi lên thiên đàng, hoàn toàn không thể có sự hiệp thông nào khác thân tình hơn với Chúa Phục Sinh.

Tôi nhận thấy trong thời COVID này nhiều người Công Giáo dần dần quen với sự dễ chịu khi tham dự Thánh Lễ trực tuyến bởi được thoải mái trong nhà riêng, không phải phiền phức ở bãi đậu xe đông đúc, con nít khóc la, hàng ghế chật ních. Nhưng một điểm then chốt của Thánh Lễ chính là chúng ta đến với nhau để làm thành một cộng đoàn. Khi chúng ta nói, cầu nguyện, hát, và xướng đáp với nhau, chúng ta nhận ra căn tính của mình là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu. Trong lúc cử hành phụng vụ, linh mục thực hiện chức năng với tư cách của Chúa Kitô (in persona Christi), còn những người đã được rửa tội khi tham dự nối kết chính mình một cách biểu trưng với Chúa Kitô là đầu và cùng nhau tiến dâng sự thờ phượng lên Chúa Cha. Có một sự tương tác giữa linh mục và giáo dân trong Thánh lễ rất đỗi quan trọng mặc dù thường không được chú ý tới. Ngay trước lời nguyện trên lễ vật, linh mục nói: “Anh chị em hãy cầu nguyện, để hi lễ của tôi cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận”, và giáo dân đáp lại: “Xin Chúa nhận hi lễ bởi tay cha, để ca tụng tôn vinh danh Chúa, và mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người”. Ngay lúc đó, đầu và các chi thể kết nối với nhau một cách có ý thức để làm nên một hi lễ hoàn hảo dâng tiến Chúa Cha. Vấn đề là điều này không thể xảy ra khi chúng ta bị phân tán trong nhà riêng của mình và ngồi trước màn hình máy tính.

Nếu tôi nói về tầm quan trọng của Thánh lễ bằng một hình thức tiêu cực hơn, Hội Thánh đã dạy cách vững chắc rằng người Công Giáo đã được rửa tội có bổn phận đạo đức phải dự lễ Chúa Nhật, và việc cố ý bỏ lễ, không có lí do chính đáng, là tội trọng. Tôi hiểu rằng những lời này làm cho nhiều người ngày nay khó chịu, nhưng nó không có ý như vậy, bởi vì nó hoàn toàn phù hợp với mọi điều chúng ta đã nói về Thánh lễ cho tới điểm này. Thật vậy, nếu Phụng vụ Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu, là cuộc gặp gỡ đặc thù với Chúa Giêsu Kitô, là thời điểm Thân Thể Mầu Nhiệm tự biểu lộ trọn vẹn nhất, là đón nhận Bánh Bởi Trời – thì, nói theo nghĩa thiêng liêng, chúng ta tự đặt mình vào mối nguy hại vô cùng lớn khi chủ động tránh xa Thánh lễ. Như một bác sĩ lưu ý bạn đang gây hại cho cuộc sống của mình do ăn các loại thức ăn nhiều chất béo, hút thuốc, và không chịu tập thể dục, cũng vậy vị bác sĩ linh hồn sẽ nói với bạn rằng việc bỏ tham dự Thánh lễ đang làm tổn hại sức khỏe tâm linh của bạn. Dĩ nhiên, như tôi nhắc đến ở trên, luật Hội Thánh vẫn luôn là một cá nhân có thể quyết định không đi Lễ vì những lí do chính đáng – và dĩ nhiên điều này vẫn còn được áp dụng trong những ngày đại dịch đang dần dịu đi.

Nhưng xin hãy trở lại với Thánh lễ! Tôi xin đề nghị bạn dẫn theo một người, là người đã vắng quá lâu hoặc có thể đã chìm sâu trong sự thoải mái suốt thời Covid. Hãy để cho nỗi khao khát Thánh Thể của bạn đánh thức thôi thúc truyền giáo trong bạn. Hãy rước những người từ khắp các nẻo đường lớn nhỏ; hãy mời các đồng nghiệp và các thành viên trong gia đình bạn; hãy gọi các trẻ em dậy vào sáng Chúa Nhật; hãy tắt máy tính. Hãy trở lại với Thánh lễ!

Tác giả: Đức cha Robert Barron

Việt Tâm chuyên ngữ từ wordonfire.org (09.6.2021)

 

DIOCESAN NEWS -

WHY DO WE HAVE AN OBLIGATION TO ATTEND MASS?-I

16 April 2021

A Catechesis on the Third Commandment in Light of the Resurrection by Father Andrew Heaslip, Diocesan Director of Religious Education, Diocesan Coordinator of Digital Media, Director of the TV Mass for the Homebound.

In his press release issued on Wednesday of Holy Week restoring the Sunday and holy day Mass obligation, Bishop Conley mentioned that the Southern Nebraska Register would be publishing a catechetical series on this obligation.

In my last article on livestreaming the Mass, I attempted to share my personal, and to some extent, catechetical reflections on why livestreaming the Mass is a blessing, albeit an awkward one, and even more why it is necessarily more valuable to be physically and spiritually present at the Mass whenever it is available.

In this article I’d like to shift from those personal and partly catechetical reflections to a catechesis specifically on the third commandment in light of the Resurrection of Jesus because it is here where we will begin to understand the context of why there is a Sunday Mass obligation in the first place.

The goal of this catechesis, then, is to understand the meaning of the third commandment in the Old Covenant, in order to clearly see how its obligatory nature both continues and is fulfilled in the New Covenant by the practice of keeping holy the Lord’s Day, that is, the day on which the Lord Jesus rose from the dead.

 

The Third Commandment

In the book of Exodus, we learn that God revealed to the people of Israel on Mt. Sinai the commandment, “Remember the sabbath day, to keep it holy. Six days you shall labor, and do all your work; but the seventh day is a sabbath to the LORD your God; in it you shall not do any work… for in six days the LORD made heaven and earth, the sea, and all that is in them, and rested the seventh day; therefore the LORD blessed the sabbath day and hallowed it” (20:8-11).

We see in this text that the third commandment is deeply tied to the six days of creation. In fact, the word sabbath (sabbath) means the seventh day of the week and a day of rest; it is derived from the Hebrew word sabbath which means “to cease or to rest.” The idea here is that the Sabbath is the day on which God ceased his work of creation in order to bring rest and blessing to the seventh day. Hence, in the Old Covenant, the observance of the Sabbath entailed, among other things, remembrance of the Lord’s work of creation and rest from work and manual labor.

Moreover, like all of the Ten Commandments, the third commandment too was given in the context of God’s work of liberating or redeeming the people of Israel from slavery.

The Decalogue (Ten Commandments) begins with the words, “I am the LORD your God, who brought you out of the land of Egypt, out of the house of bondage” (Ex 20:2). Likewise, the expression of the third commandment in Deuteronomy adds, “You shall remember that you were a slave in the land of Egypt, and the LORD your God brought you out thence with a mighty hand and an outstretched arm; therefore the LORD your God commanded you to keep the sabbath day” (15:5).

We see here that the third commandment is deeply tied also to God’s work of redemption or liberation from slavery, that is, when He freed his people from Egypt and formed a covenant relationship with them on Mt. Sinai. Hence, in the Old Covenant the obligation of remembrance “You shall remember” includes God’s work not only of creation but also of redemption.

In the third commandment, then, we not only learn of the sacred importance of the Sabbath and the requirement or obligation to keep it holy through remembrance and rest but also discover the deepest reasons for this obligation: the Sabbath is directly connected to the blessing and holiness of the Lord’s work of creation and to the mighty power of His liberating work of redemption.

 

Sabbath to Sunday

The first question that ordinarily arises in view of the third commandment to keep holy the Sabbat (that is, the seventh day, Saturday) is why do Christians observe this commandment not on Saturday but on Sunday? Indeed, among the most traditional enumerations of the Commandments in the Church we find the third Commandment expressed, “Remember to keep holy the Lord’s Day.”

In apostolic times we hear this same reference; for example, in the book of Revelation, a book with profound liturgical undertones, St. John says, “I was in the Spirit on the Lord’s day...” (1:10). Likewise, one of John’s disciples, St. Ignatius of Antioch who died around 108 AD says, “those who lived according to the old order of things have come to a new hope, no longer keeping the sabbath, but the Lord’s Day.”

Also, St. Justin Martyr witnessed to this distinctive and ancient Christian practice around the year 155 AD when he wrote, “We all gather on the day of the sun, for it is the first day as opposed to the seventh day.” What is clear from these and other ancient accounts is that the movement from Sabbath to Sunday, the Lord’s day, was a distinctive characteristic of the early Christian communities from the beginning. 

 

The Resurrection

This radical shift in religious practice should make us pause because in it there is a profound witness to the Resurrection of Jesus, which is the singular reason it occurred. In first century Judaism there was enormous importance attached to the Sabbath and its observance; we see references to this, for example, throughout first century Jewish texts and even in the Gospels themselves. Hence, “only an event of extraordinary impact could have led to the abandonment of the Sabbath and its replacement by the first day of the week” (Ratzinger, Jesus of Nazareth II).

The extraordinary historical event was the Resurrection of Jesus from the dead on the third day after his crucifixion, that is, at an unknown moment on the first day of the week, Sunday. Only something this remarkable could have brought about such a change in the deeply rooted religious culture surrounding the Sabbath. This change is one of the most convincing arguments from a historical perspective that something astonishing must have occurred at the beginnings of Christianity. 

 

New Creation and Redemption

This event, the Resurrection, is the reason why Christians observe Sunday instead of the Sabbath. Nevertheless, the deepest meaning of the Sabbath and the commandment to keep it holy is in no way abandoned by Christians but rather fulfilled.

We saw that the Sabbath and the biblical expressions of the third commandment were directly tied to the first creation and to Israel’s redemption from Egypt. These events have been fulfilled in Jesus Christ. The Resurrection of Jesus from the dead on the first day of the week, in fact, begins the New Creation. Indeed, the creation of the visible world and of humanity find their meaning and summit in this new creation in Christ, or St. Paul says, “if any one is in Christ, he is a new creation; the old has passed away, behold, the new has come” (2 Cor 5:17).

Likewise, the paschal mystery of Jesus’ suffering, death, and Resurrection has brought Redemption to the human race. God’s work of liberating His people from slavery, Egypt, and pharaoh has come to fulfillment in His Son, Jesus who has redeemed us from sin, the world, and Satan.

Or, again, as St. Paul says, “In him we have redemption through his blood, the forgiveness of our trespasses, according to the riches of his grace which he lavished upon us” (Eph 1:7-8). Thus, the ancient meaning of the Sabbath has come to its culmination in the Resurrection of Christ on the first day of the week. 

 

Remembrance and Rest

Likewise the obligations of the third commandment—to remember and to rest—continue in the New Covenant, but now as a living remembrance, especially in the eucharistic liturgy, of God’s supreme work of redemption and of making us a new creation in Christ, and now as a rest not only from work and servile labor but also as a rest which looks forward in hope to definitively “entering into God’s rest” in eternal life (cf. Heb 4:1-11).

This catechesis on the third commandment in light of the Resurrection hopefully helps us to see why there is a perpetual obligation of remembrance and rest on the Lord’s Day.

Likewise, I hope it helps us begin to understand why even when there is a legitimate dispensation from being present at the eucharistic liturgy or even when one is rightly excused from Mass because he or she is physically or morally prevented from attending, the obligations on Sunday of remembering of the Lord’s redeeming work and of rest that looks toward the definitive rest of eternal life can never be dispensed—the third commandment and its evangelical fulfillment come from God.

In the next catechesis on the Sunday and holy day Mass obligation I hope to continue this consideration on remembrance in view of the first precept of the Church: “You shall attend Mass on Sundays and holy days of obligation.”

This precept, which though at times can be dispensed as we all experienced during COVID-19, is a grave obligation that requires the faithful to participate in the Eucharistic liturgy because the liturgy is the supreme living remembrance which makes present Jesus’ redeeming work of the cross and Resurrection and, indeed, is carried out according to Jesus’ command, “Do this in remembrance of me” (Lk 22:19).

 

WHY DO WE HAVE AN OBLIGATION TO ATTEND MASS?-II 

07 May 2021

A catechesis on the First Precept of the Church in light of Jesus’ institution of the Eucharist by Father Andrew Heaslip, Diocesan Director of Religious Education, Diocesan Coordinator of Digital Media, Director of the TV Mass for the Homebound.

In our last catechesis on keeping holy the Lord’s day and the Resurrection, we saw how the third commandment is deeply tied to creation and redemption, and how the Old Testament obligations of remembrance and rest on the Sabbath are fulfilled in Jesus Christ who brings about the new creation and the redemption of the human race through his cross and in his resurrection on the third day, Sunday.

In this catechesis I would like to draw from our previous reflections and focus on the first precept of the Church in view of Jesus’ institution of the Eucharist when he said, “Do this in remembrance of me” (Lk 22:19). The goal of this catechesis is to help us understand why there is a grave obligation to attend Mass on Sundays and Holy days and, even more, why this obligation is something we should freely want to fulfill whenever it is available. 

 

The First Precept of the Church

The first precept of the Church is, “You shall attend Mass on Sundays and holy days of obligation” (CCC 2042). This precept requires the faithful to participate, that is, to be physically and consciously present at the Eucharistic liturgy when the Christian community gathers together for Sundays and Holy days of obligation. This precept is distinct from but deeply related to the third commandment, as well as other Jewish feasts of remembrance in the Old Covenant, both of which Jesus brought to fulfillment in the New Covenant.

 

Sunday Obligation

We saw in our last catechesis that one of the fundamental obligations of the third commandment is remembering God’s work of creation and redemption: “Remember the sabbath day... for in six days the LORD made heaven and earth... and rested the seventh day” (Ex 20:8-11) and “You shall remember that you were a slave in the land of Egypt, and the LORD your God brought you out thence with a mighty hand…” (Deut 15:5). We’ve already seen how this commandment continues and is fulfilled in the passion and, especially, the resurrection of Jesus on Sunday.

The point I would like to make here is: the precept to participate in the Eucharistic liturgy on Sunday, while distinct from the third commandment, realizes the command of remembrance in the fullest way possible because it is the supreme living remembrance of Jesus’ redeeming work on the cross and in the resurrection. The Mass makes his sacrifice for sins and his risen body actually present – living – and is carried out according to his words, “Do this in remembrance of me” (Lk 22:19). Hence, the part of the first precept of the Church that pertains to Mass on Sunday flows directly from the third commandment’s obligation to remember. 

 

Holy Days of Obligation

What about other holy days of obligation? In addition to the weekly observance of the Sabbath, now fulfilled on the Lord’s day, Sunday, the people of Israel also celebrated many other feasts of remembrance. They occurred on fixed days and seasons of the year and included specific liturgical practices. For example, the great Jewish feast of Passover occurred on the 14th of the first month of the Jewish calendar and obliged the Israelites to celebrate it with specific ceremonies such as families coming together to partake of a Passover lamb. God and his chosen leader, Moses, instituted this feast and its specific liturgical practices, again, for the purpose of remembrance: “that all the days of your life you may remember the day when you came out of the land of Egypt” (Deut 16:3).

Similarly, the holy days of obligation in the New Covenant such as Christmas, Mary the Mother of God, the Ascension, All Saints Day, and the Immaculate Conception occur on fixed days or seasons and oblige God’s people to come together in the liturgy in order to celebrate God’s mighty works which have come to fulfillment in the mysteries of the Christian faith. Likewise, God’s appointed leaders, the successors of the apostles, instituted these holy days of obligation as a means of commemorating (remembering and celebrating) the great mysteries of faith and salvation from which all the family of God benefits. Hence, holy days of obligation are occasions of grace and remembrance; they have a certain connection with and precedent in the feasts of the Old Covenant, yet are ultimately rooted in the life and mysteries of Jesus and the authority of his Church, both of which are a fulfillment of the Old Covenant.

The first precept of the Church, then, has its obligatory character and can be dispensed because it is based in the pastoral authority of the pope and bishops who are the successors of Peter and the apostles who, in turn, were commanded by Jesus to celebrate the Eucharist, “...in remembrance of me.” This is, among other reasons, why there is a grave obligation to attend Mass on Sundays and holy days, and why it can be dispensed for serious reasons such as our recent global pandemic. 

 

The Institution of the Eucharist

The first precept of the Church, moreover, has its deepest reason in the gift that Jesus gave on the night he was betrayed, when he instituted the Eucharist. It is in this gift and the prayerful words and actions surrounding this gift that we discover why we should long for and freely want to participate in the Eucharist. What is this gift? It is the gift of Jesus himself.

When He instituted the Eucharist before His passion, Jesus established the perpetual memorial of his suffering, death, and resurrection which has redeemed the world. This truth is contained in the very words that Jesus used at the last supper. When he took bread, he said, “This is my body which is given for you” (Lk 22:19) and when he took the wine, he said, “this is my blood of the covenant, which is poured out for many for the forgiveness of sins” (Mt 26:28).

An important point to realize here is that these actions and words of Jesus anticipated the sacrifice of his body and the pouring out of his blood on the cross. When he said to the apostles, “do this in remembrance of me,” what they were to remember was not simply the last supper but the crucifixion, its meaning, and the resurrection. The words “given for you” and “poured out for many” which the apostles heard with their ears at the last supper took on meaning only after Jesus’ ordeal of Roman crucifixion when he gave his body to be nailed to the cross unto death, and when the solider lanced his side causing his blood to pour out.

The command of remembrance, however, included not merely the recollection of the physical details of the suffering and death of Jesus but also, and especially, the meaning of them. The cross manifests Jesus’ love “to the end” (Jn 13:1); it is accomplished “for the forgiveness of sins,” “for our sins” (1 Cor 15:3); and it is the beginning of a “new covenant,” that is, a new and living relationship with God in his Son, Jesus. This gift of the Eucharist which Jesus instituted at the last supper and which the apostles were to do in remembrance of him took on its full meaning for them only after the crucifixion and resurrection; and it took them and the early disciples time to awaken to this full meaning. 

 

Remembrance

The scriptural term remembrance, in fact, implies this type of awakening, that is, a realization of the reality of God and the work he has done (see for example, Num 10:10). We see this awakening to God’s work in the accounts of Jesus’ appearances to his disciples after the resurrection. For example, on the road to Emmaus, Jesus converses with two of his disciples who do not realize that it is him. It is only after he opens the scriptures to them about the meaning of the Messiah’s suffering and glory and, most of all, when he takes bread, blesses it, breaks it, and gives it—the same actions he performed at the last supper—that they finally realize or awaken to the reality that it is him. At that moment he vanished from their sight. Yet, he was helping them to realize that he is, and is going to be, present to them in a new way, that is, in the breaking of the bread which is the most ancient name for the Eucharistic liturgy. Indeed, after realizing it was the Lord, those two disciples told the apostles that, “he was made known to them in the breaking of the bread” (Lk 24:35).

It is with this full meaning of remembrance, which includes not only a recollection but also a realization of the living reality, that the apostles and early Church celebrated the Eucharist (see 1 Cor 11:23-27). So, it is with the Eucharistic liturgy in every age: when the Mass is celebrated it is done in remembrance of Christ whose passion and resurrection are not only recalled but also made present.

When we assemble together for the Mass it is truly a time when the Lord awakens us anew to his presence and his work of salvation. Indeed, nothing brings us closer to Jesus and to one another than the celebration of the Eucharist. It is there where we encounter his love to the end, it is there where we are renewed in the new and everlasting covenant relationship with God, and it is there where we can receive the crucified and now Risen Lord. These are the deepest reasons why there is a precept to attend Mass on Sundays and holy days of obligation and they are why we should long to realize this precept.

I hope that this two-part catechesis on the Sunday and holy day Mass obligation has been helpful not only for understanding but also for inspiration. It was written in anticipation of and preparation for May 23, the Solemnity of Pentecost, when this obligation will be restored in the Lincoln Diocese. May the Holy Spirit draw us together anew into Christ Jesus at the Eucharistic liturgy.

 

 

Hãy Đến Với Thánh Lễ Để Lãnh Nhận Nguồn Ơn Cứu Độ -

KHAO KHÁT THÁNH LỄ

Là người Công giáo có trách nhiệm, ai cũng biết rằng mình có bổn phận tham dự thánh lễ ngày Chúa  nhật. Thậm chí lề luật còn quy định, nếu bỏ lễ Chúa nhật mà không có lý do chính đáng, bị xem là phạm tội trọng.

Nhưng vì quá nhấn mạnh đến khía cạnh tội, lề luật, trách nhiệm, một số người đi lễ Chúa nhật chỉ như việc làm đối phó, đi cho xong bổn phận, gọi là dự lễ nhưng thực tế hoàn toàn không có cái hồn của việc dự lễ.

Trong khi đó, việc tham dự thánh lễ Chúa nhật còn một khía cạnh khác tích cựac hơn nhiều, hạnh phúc hơn nhiều, mạnh mẽ hơn nhiều, đó là: Thánh lễ là ân huệ Chúa ban, và tham dự thánh lễ là đón nhận ân huệ, đón nhận quà tặng vô giá từ Trời.

Ân huệ này, món quà này thật đặc biệt vì chính Chúa Giêsu trao ban nó cho chúng ta trước khi Người lìa bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha.

Nhớ năm ngoái, vào đúng dịp tuần Thánh và Phục sinh, lại là thời gian đỉnh cao của dịch wuhan, chúng ta không thể tham dự thánh lễ. Nhưng nhờ đó, nó trở thành cơ hội tốt để nhiều người còn giữ được tâm hồn sốt sắng, nhìn lại giá trị của món quà vô giá mà bao nhiêu năm tháng Chúa ban cho mình tận hưởng.

Mất những gì đã từng có, vuột khỏi tầm tay những gì đã từng nắm trong tay, ta mới thật sự quý điều mình đã không còn.

Chỉ có như thế mới là cơ hội giúp ta quý trọng mọi thứ Chúa trao ban, nâng niu món quà của Chúa, thèm khát ân huệ vô giá của Chúa.

Rồi khoảng thời gian không thể đến nhà thờ tham dự thánh lễ cũng qua đi. Sự thèm khát thánh lễ có làm nhiều người quý trọng thánh lễ hơn, dự lễ sốt sắng hơn…

Nhưng rồi mọi sự lại đâu vào đấy. Bởi khi nhà thờ được mở cửa liên tục, việc đến nhà thờ dễ dàng hơn, trừ một số người giữ được tâm hồn thực sự hướng về Chúa, đại bộ phận người còn lại, lại tiếp tục cho thấy thái độ hững hờ, dự lễ vì thói quen, dự lễ vì sợ luật buộc, dự lễ vì chẳng lẽ mang tiếng mình là người Công giáo lại chẳng đến nhà thờ…

Nhiều biểu hiện của nhiều người cho thấy, họ dự lễ cho có, cho rồi, chỉ là dự được chăng hay chớ mà thôi…

Ước mong từng người Công giáo, khi đến nhà thờ tham dự chính hy tế tuyệt đối của Chúa Kitô, sẽ tham dự bằng tình yêu, bằng sự chân tình, bằng thái độ nhiệt tình của mình với mọi nỗi khao khát được đến nhà Chúa, được cùng Chúa hiến tế đời mình, dâng lên Chúa con người, đời sống, lo toan và mọi lao nhọc của bản thân, của gia đình và của mọi người thân…

Ước mong mỗi khi đến nhà thờ, mọi người sẽ thấy mình hạnh phúc được cùng Chúa Kitô dâng lên sự tôn thờ dành cho Chúa Cha nhờ ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần, được là người mang ơn cứu độ và gieo vãi ơn cứu độ của Chúa cho chính mình và cho trần thế.

Ước mong khi đến nhà thờ, mọi người mang theo cơn khát được gặp Chúa, gặp anh em mình để càng ngày càng hiệp thông với Chúa và với nhau chặt chẽ, mạnh mẽ hơn.

Ngoài những người còn xem thường việc tham dự hy tế của Chúa trong từng thánh lễ, chúng ta tin tưởng, với lòng yêu mến chân thành của tất cả những ai thiện chí, ơn Chúa, Đấng yêu thương chúng ta, sẽ làm cho đại dịch sớm qua đi, để từng người, mỗi lần lên đền thánh Chúa, sẽ cùng nhau gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ nhau trong hạnh phúc, tin yêu và hy vọng càng lúc càng lớn hơn, dạt dào hơn.

Còn giờ đây, chúng ta hãy để cho cõi lòng mình vang vọng lời Thánh vịnh 41:

Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống”.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

 

LỜI CHÚA HÀNG TUẦN

Chúa Nhật VI Phục Sinh - Năm C -

TIN MỪNG: Ga 14,23-29. 

“Thánh Thần sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

Tin Mừng Chúa Giêsu Ki-tô theo Thánh Gio-an:

Đức Giê-su đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy. Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đến cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em, trước khi sự việc xảy ra, để anh em tin khi sự việc ấy xảy ra”.

Đó là Lời Chúa.

 

I. GỢI Ý & SUY NIỆM:

Bài Tin mừng hôm nay trích trong bài từ biệt các Tông đồ của Đức Giê-su tại Nhà Tiệc Ly và gồm hai điểm chính như sau:

- Cách thể hiện lòng mến đối với Thầy: Đức Giê-su đòi các Tông đồ phải chứng tỏ lòng yêu mến Người bằng cách tuân giữ Lời Người truyền dạy, nhờ đó họ sẽ được kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi và sẽ nhận được ơn Thánh Thần trợ giúp.

- Đức Giê-su hứa ban bình an và niềm vui: Đây là sự bình an thực sự và trong  tâm hồn. Nhờ đó, các ông sẽ không còn bối rối sợ hãi khi gặp phải những cơn bách hại xảy ra. Vì Người hứa ở lại với các ông luôn mãi.

 

A. GỢI Ý:

1. Vấn nạn mà các Kitô hữu gốc Dân ngoại gặp phải đã được giải quyết cách tốt đẹp nhờ quyết định khôn ngoan và biểu lộ sự hiệp thông của những người lãnh đạo Giáo hội “mẹ” tại Giêrusalem với cộng đoàn địa phương. Đằng sau quyết định này là vai trò của Thánh Thần, Đấng làm nên sự hiệp thông giữa các Kitô hữu, dù có những khác biệt. Tôi có sẵn sàng gác qua một bên những khác biệt để xây dựng sự hiệp thông trong Giáo hội? Tôi có để cho Thánh Thần hướng dẫn để sống khoan dung mà cởi mở đón những người khác với tôi?

2. Thị kiến của tác giả sách Khải Huyền cho thấy viễn cảnh của Thành Giêrusalem, nơi qui tụ tất cả mọi người từ khắp bốn phương trời, nhờ ánh vinh quang của Thiên Chúa và của Con Chiên, tức là Đức Giêsu Phục Sinh. Đó là hình ảnh của Hội thánh phổ quát dành cho tất cả những ai tin vào Thiên Chúa và Con của Người là Đức Giêsu Kitô. Cuộc sống của tôi có là ánh sáng dẫn mọi người đến với Hội thánh?

3. Trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ vào trong mối tương quan hiệp thông với Thiên Chúa. Người cũng ban Thánh Thần để giúp các ông ghi nhớ và hiểu biết cách sâu xa hơn những gì Người đã chỉ dạy. Người còn để lại cho các ông bình an là ân sủng cứu độ, để giúp các ông kiên vững trong những lúc gian nan, thử thách. Tôi có sẵn sàng đáp lại lời mời gọi sống hiệp thông với Thiên Chúa nhờ yêu mến và giữ lời Người? Tôi có mở lòng ra cho ơn huệ Thánh Thần để mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn? Ơn bình an của Chúa Giêsu có làm cho tôi thêm kiên vững trong đức tin, nhất là những khi gặp khó khăn, thử thách?

 

B. SUY NIỆM:

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay ghi lại lời Chúa Giê-su tâm sự với các môn đệ trong bữa Tiệc Ly trước khi Người lìa bỏ các ông đi chịu khổ nạn. Tin Mừng gồm mấy điểm chính như sau:

1. Đức Giê-su hứa ban Thánh Thần:

Khi nghe Đức Giê-su cho biết Người sắp từ giã các môn đệ để đi chịu khổ nạn rồi sẽ được Chúa Cha tôn vinh (x Mc 10, 33-34), các môn đệ nghe vậy cảm thấy buồn phiền. Đức Giê-su đã an ủi khích lệ các ông bằng cách cho họ biết việc Người ra đi là để dọn chỗ trước, rồi sau đó Thầy trò lại sẽ được đoàn tụ với nhau, nên bây giờ các ông hãy vui mừng khi thấy Người được Chúa Cha tôn vinh. Các ông cũng sẽ không bị mồ côi vì Chúa Cha sẽ cử Chúa Thánh Thần đến an ủi và trợ giúp để các ông có thể chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời. Quả thật sau khi Chúa Giê-su thăng thiên, vào lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống ban ơn thánh hóa để giúp các ông chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng như Người đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14, 26). Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng và giúp các môn đệ chu toàn sứ vụ làm chứng nhân của Người” (x Ga 15, 26-27).

 

2. Ích lợi của việc Đức Giê-su ra đi:

Sau khi hoàn tất công việc được Chúa Cha trao phó, Đức Giê-su đã bàn giao sứ vụ cứu độ trần gian cho một Đấng Bảo Trợ khác là Chúa Thánh Thần. Dù rất yêu thương các môn đệ và luôn muốn ở với các ông, nhưng Đức Giê-su vẫn phải ra đi, vì điều đó sẽ mang lại lợi ích cho các ông: nó vừa giúp các ông trưởng thành về đức tin hơn, lại vừa giúp các ông mở lòng đón nhận được ơn Chúa Thánh Thần để có thể chu toàn được ba sứ vụ:

- Một là được sai đi (x Ga 20, 22-23).

- Hai là loan báo Tin Mừng và dạy người ta tuân giữ các giới răn (x Mt 28, 19-20).

- Ba là làm chứng về tình thương của Người “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8).

 

3. Phải làm gì để giữ vững đức tin khi gặp cơn gian nan thử thách?

Có những lúc chúng ta liên tiếp bị thất bại nhiều mặt như người đời thường nói: “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí’, và dễ bị chán nản và muốn buông xuôi, thể hiện qua việc bỏ không cầu nguyện hằng ngày, không còn thích đi chầu Chúa Thánh Thể... Có những lúc đức tin của chúng ta trở nên yếu đuối, không còn hứng thú tham dự các sinh hoạt như hội họp học sống Tin Mừng, làm công tác thăm viếng, quét dọn vệ sinh nhà Chúa, tập hát... Có những lúc chúng ta có cảm tưởng bị Thiên Chúa bỏ rơi, giống như Đức Giê-su trong cuộc khổ nạn đã thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con. Sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15, 34).

Thực ra Chúa vẫn luôn yêu thương và không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhưng Ngài biết đã đến lúc bắt đầu một giai đoạn mới để chúng ta được trưởng thành hơn. Đã đến lúc chúng ta phải nhận ra rằng giá trị của sự cầu nguyện không hệ tại ở việc cảm thấy sốt sắng hay không. Chính khi tâm hồn như bị chai cứng, lại là lúc đòi phải cầu nguyện nhiều hơn, và lời cầu nguyện khi ấy sẽ nên tuyệt hảo. Vì bấy giờ chúng ta làm các việc đạo đức không dựa trên cảm giác thường tình, nhưng dựa trên đức tin được Chúa chúc phúc như Chúa Phục Sinh đã nói với ông Tô-ma: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20, 29).

 

4. Áp dụng thực hành:

Đã đến lúc chúng ta phải hiểu rằng đức tin không chỉ là một cảm giác nhưng là sự quảng đại dâng hiến, một sự cậy trông phó thác tuyệt đối vào Chúa quan phòng, như lời thưa “xin vâng ý Chúa Cha” của Chúa Giê-su trong vườn Cây Dầu: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39). Thiên Chúa muốn chúng ta phải đấu tranh với các gian khổ gặp phải để nhờ đó sẽ được lớn lên về đức tin. Trong những giờ phút đen tối ấy, chúng ta hãy ý thức rằng: Chúa Giê-su luôn ở bên và ở trong chúng ta. Người vẫn tiếp tục đổ ơn Thánh Thần của Người để nâng đỡ tinh thần của chúng ta, giúp đức tin của chúng ta ngày một vững mạnh hầu chu toàn được sứ vụ “làm chứng cho Người đến tận cùng trái đất”.

Tóm lại: Đức tin chân chính là một tâm tình dâng hiến, một thái độ phó thác cậy trông vào Chúa quan phòng, một lời thưa “xin vâng” theo ý Chúa Cha như Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a (x. Mt 26, 39; Lc 1, 38). Do đó khi rước lễ, mà không cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong lòng, thì hãy nhớ lời bài hát chầu Thánh Thể: “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì”.

 

II. CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giê-su, cho tới nay hầu như chúng con mới chỉ yêu thương tha nhân bằng lời nói hơn là việc làm. Xin Chúa hãy đổ Thần Khí để canh tân lòng trí chúng con. Xin cho chúng con ý thức lòng mến Chúa phải thể hiện bằng việc yêu người cụ thể như: năng nghĩ đến người khác, quên mình hy sinh phục vụ tha nhân, sẵn sàng quảng đại giúp đỡ người nghèo đói có cơm ăn áo mặc, bệnh nhân có tiền thuốc thang chữa trị… Nhờ đó, những người đau khổ sẽ tìm được sự cảm thông an ủi, kẻ đang lạc xa Chúa sẽ có điều kiện quay về nẻo chính đường ngay. Amen.

 

GOSPEL (Jn 14:23-29):

Jesus said to his disciples:
“Whoever loves me will keep my word,
and my Father will love him,
and we will come to him and make our dwelling with him.
Whoever does not love me does not keep my words;
yet the word you hear is not mine
but that of the Father who sent me.
“I have told you this while I am with you.
The Advocate, the Holy Spirit,
whom the Father will send in my name,
will teach you everything
and remind you of all that I told you.
Peace I leave with you; my peace I give to you.
Not as the world gives do I give it to you.
Do not let your hearts be troubled or afraid.
You heard me tell you,
“I am going away and I will come back to you.”
If you loved me,
you would rejoice that I am going to the Father;
for the Father is greater than I.
And now I have told you this before it happens,
so that when it happens you may believe.”

The Gospel of the Lord

 

Ban Mục Vụ Phụng Tự

Lm. Đan Vinh

 

Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm C -

TIN MỪNG: Ga 13,31-33a.34-35. 

Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”

Tin Mừng Chúa Giêsu Ki-tô theo Thánh Gio-an:

Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy. Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau”.

Đó là Lời Chúa.

 

I. GỢI Ý & SUY NIỆM:

Bài Tin mừng hôm nay trích trong bài từ biệt của Đức Giê-su trong bữa tiệc ly vào chiều thứ Năm tuần thánh. Khi Giu-đa rời khỏi bàn tiệc lao mình vào bóng đêm thì Đức Giê-su tuyên bố “Giờ Con Người được tôn vinh” đã bắt đầu đúng theo thánh ý Chúa Cha. Sau đó Đức Giê-su ban cho các môn đệ điều răn mới là “Hãy yêu thương nhau như Thầy”. Tình yêu thương lẫn nhau chính là dấu chỉ để người ngoài phân biệt các ông là môn đệ đích thực của Đức Giê-su.

 

A. GỢI Ý:

1. Hoạt động của hai ông Phaolô và Banaba theo tường thuật của sách Công vụ Tông đồ có thể được tóm lại trong ba công việc: một là, rao giảng Tin Mừng và thành lập các cộng đoàn; hai là, củng cố tinh thần các tín hữu và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin; ba là cắt đặt các kỳ mục để họ trực tiếp coi sóc cộng đoàn. Hoạt động rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh hôm nay cũng có thể dựa trên những yếu tố cơ bản này.

2. Sách Khải Huyền cho thấy thị kiến về trời mới đất mới, về Hội Thánh là Giêrusalem từ trời xuống. Hội Thánh lữ hành luôn phải đối diện với những thách đố không ngừng ở mọi thời và mọi nơi. Thị kiến này đem lại niềm an ủi và sự khích lệ lớn lao cho những ai đang bị bách hại hay sống đời chứng nhân cho Đức Kitô và Tin Mừng. Mọi khó khăn, thách đố, bách hại Hội Thánh rồi sẽ đến hồi kết thúc, khi Thiên Chúa đổi mới mọi sự.

3. Đứng trước cuộc thương khó, Chúa Giêsu xác tín rằng con đường dẫn tới vinh quang phục sinh cần phải trải qua đau khổ của thập giá, nhưng con đường thập giá mới là con đường vinh quang mà Thiên Chúa muốn Người đi. Dẫu đường thập giá có lắm chông gai, tình yêu đối với Thiên Chúa chính là động lực giúp Đức Giêsu vượt qua tất cả. Người cũng muốn để lại cho các môn đệ giới răn yêu thương vừa như là mối dây liên kết cộng đoàn môn đệ, vừa như là chứng tá cho Tin Mừng yêu thương mà các ông rao giảng. Cộng đoàn Hội Thánh ở mọi nơi và mọi thời chỉ có thể đứng vững trước bao sóng gió nếu liên kết với nhau trong tình yêu thương.

 

B. SUY NIỆM:

1. Thầy ban cho anh em một điều răn mới:

Có nhiều dấu hiệu để giúp người khác nhận ra một Ki-tô hữu như: đeo ảnh, làm dấu thánh giá, treo ảnh Chúa trong nhà... Nhưng dấu hiệu quan trọng nhất của môn đệ đích thực của Đức Giê-su chính là tình yêu thương nhau: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới”. Yêu thương nhau cũng là một phương thế truyền giáo hữu hiệu như Lời Chúa phán: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 16).

Tiếc thay, hiện nay vẫn còn những bất đồng giữa những người cùng tôn thờ Thiên Chúa và cùng tin Đức Giê-su, nhưng chưa hiệp thông với nhau như Công Giáo, Chính Thống, Anh Giáo, Tin Lành... Thậm chí đã từng xảy ra những mối hận thù và giết hại lẫn nhau giữa những người cùng nhận mình là con của Thiên Chúa như hai cộng đồng Công Giáo và Tin Lành ở Bắc Ai-Len, hai bộ tộc Hutu và Tút-si ở nước Ru-ăng-đa. Biết đến bao giờ các tín hữu mới có thể cùng đọc chung một kinh Tin kính, mừng chung các đại lễ Giáng Sinh và Phục Sinh trong cùng một ngày, cùng cử hành một lễ nghi phụng vụ chung? Thế giới hiện nay giống như một sa mạc khô khan cằn cỗi vì thiếu tình yêu. Ước chi các cộng đoàn Ki-tô sẽ trở thành những ốc đảo, có cỏ xanh tươi và nước suối trong lành, lôi kéo các con chiên lạc quay về sống trong đại gia đình có Thiên Chúa là Cha, có Đức Giê-su là Thầy và mọi người đều là anh em với nhau, như lời ước nguyện của Đức Giê-su: “Xin cho chúng nên một” (Ga 17, 21).

 

2. Hãy yêu thương nhau như Thầy:

Đức Giê-su đòi các môn đệ phải yêu thương nhau “như Thầy đã yêu”. Đặc điểm tình yêu của Đức Giê-su như sau:

- Hy sinh mạng sống vì người yêu: Đức Giê-su đã chịu chết trên cây thập giá biểu lộ một tình yêu tột đỉnh đối với chúng ta, như Người đã nói: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

- Nâng môn đệ đang là tôi tớ lên hàng bạn bè nghĩa thiết: “Thầy không coi anh em là tôi tớ, nhưng là bạn hữu của Thầy”. Đức Giê-su là Thầy, là Chúa của các môn đệ, nhưng Người đã coi họ là bạn biểu lộ qua việc Người chia sẻ mọi điều mầu nhiệm của Chúa Cha cho các ông: “Tất cả những gì Thầy đã nghe được nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15).

- Khiêm nhường rửa chân phục vụ môn đệ (Ga 13, 1.5), cảm thông giúp đỡ chữa lành cho những kẻ bệnh tật bất hạnh (x Mt 4, 23): chữa người mù được sáng mắt, người què đi được, kẻ điếc nghe được, người câm nói được, những kẻ tội lỗi như các người thu thuế và gái điếm cũng nhận được ơn thứ tha tội lỗi để sau này còn được hưởng hạnh phúc Nước trời với Người...

- “Yêu cho đến tột cùng” (x Ga 13, 1), yêu đến nỗi sẵn sàng hiến thân chịu chết để đền tội thay cho loài người và thiết lập bí tích Thánh Thể để nên của ăn cho chúng ta được sống đời đời (1 Cr 11, 23-25).

Tóm lại: Chúa dạy “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu” (Ga 13, 34). Không phải là thứ tình yêu ích kỷ, tìm cách chiếm đoạt và lợi dụng người yêu (Êros), nhưng là thứ tình yêu quảng đại vị tha, sẵn sàng hiến thân cho người mình yêu được hạnh phúc (Agapê).

 

3. Thực hành yêu thương cụ thể:

- Năng gặp nhau: Người môn đệ đích thực của Chúa Giê-su sẽ thể hiện tình yêu thương nhau qua việc năng họp mặt để lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện và chia sẻ cơm bánh vật chất với nhau. Vào ngày Chúa Nhật, ngoài việc đi dự lễ nhà thờ, chúng ta cũng dành thời gian để gặp gỡ trao đổi và làm công tác bác ái chung với nhau.

- Yêu nhau là luôn làm tốt cho nhau như: giúp nhau vượt qua hoàn cảnh nghèo đói, bệnh tật; quảng đại chia sẻ cơm bánh và động viên tinh thần, giúp nhau gia tăng đức tin, hòa giải các tranh chấp bất đồng, giúp nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, có cuộc sống ổn định. Dấu hiệu rõ nhất của tình yêu là sẵn sàng hy sinh thì giờ, sức khỏe, tiền bạc cho nhau… Hãy năng cầu xin ơn Thánh Thần giúp chúng ta nên môn đệ đích thực của Chúa Giê-su.

 

4. Chia sẻ phục vụ là dấu hiệu giúp người đời tin yêu Chúa:

Hãy liên kết với nhau thành những Nhóm Nhỏ gọi là Gia Đình thiêng liêng nhằm giúp nhau sống giới răn mến Chúa yêu người của Chúa Giê-su.

Ngoài việc đi dự lễ Chúa Nhật hằng tuần, Gia Đình Nhóm Nhỏ còn cần họp mặt nhau luân phiên tại nhà các thành viên một hoặc hai lần mỗi tháng, để đọc kinh chung, cùng nhau hiệp sống Tin Mừng, sau đó báo cáo công tác đã làm trong thời gian qua và phân công tác mới. Các công tác bác ái như thăm viếng các người già cả neo đơn tại tư gia, bệnh viện hay nhà dưỡng lão, thăm bệnh nhân liệt giường lâu ngày, thăm các đôi vợ chồng đang bất hòa, thăm người lương có thiện cảm với đạo, phúng viếng đám ma người mới qua đời trong khu vực…

Thể hiện tình thương cụ thể đối với những người bất hạnh chính là ánh sáng, là phương thế hữu hiệu nhất để giới thiệu Chúa đến với mọi người, nhất là những người chưa biết Chúa. Nhờ đó họ sẽ dễ dàng tin yêu Chúa  để được ơn cứu độ, như lời Chúa Giê-su phán: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 16).

 

II. CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con biết yêu thương hợp tác với nhau để xây dựng Nước Chúa ngay từ hôm nay. Xin cho chúng con đi bước trước đến với tha nhân. biết nhìn thấy Chúa đang hiện thân giữa cộng đoàn, dễ dàng tha thứ các lỗi lầm cho nhau. Ước chi chúng con biết chủ động đi bước trước đến với tha nhân, mở tai để lắng nghe, mở lòng để yêu thương và mở tay để phục vụ những người đau khổ, bệnh tật, neo đơn… hầu góp phần xây dựng môi trường chúng con đang sống ngày càng an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn, sớm trở thành “Trời Mới Đất Mới” (Kh 21, 1) theo thánh ý Chúa. Amen.

 

GOSPEL (Jn 13:31-33a,34-35):

When Judas had left them, Jesus said,
“Now is the Son of Man glorified, and God is glorified in him.
If God is glorified in him,
God will also glorify him in himself,
and God will glorify him at once.
My children, I will be with you only a little while longer.
I give you a new commandment: love one another.
As I have loved you, so you also should love one another.
This is how all will know that you are my disciples,
if you have love for one another.”

The Gospel of the Lord.

 

Ban Mục Vụ Phụng Tự

Lm. Đan Vinh

 

Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm C -

TIN MỪNG: Ga 10,27-30. 

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi.

Tin Mừng Chúa Giêsu Ki-tô theo Thánh Gio-an:

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời. Không bao giờ chúng phải diệt vong, và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”. “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi với Chúa Cha là một!”.

Đó là Lời Chúa.

 

I. GỢI Ý & SUY NIỆM:

Tin mừng của Gio-an hôm nay ghi lại những lời tâm sự của Chúa Giê-su với các môn đệ. Người đã tự ví mình là Mục Tử nhân lành, được Chúa Cha sai đến để thay quyền Cha mà chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ đoàn chiên đã được trao cho Người. “Người và Chúa Cha chỉ là Một”.

 

A. GỢI Ý:

1. “Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất” (Cv 13,17).Thiên Chúa đã dùng thánh Phaolô như là một công cụ đắc lực để mang Tin Mừng đến cho muôn dân, và nhờ đó, biết bao người đã đón nhận hồng ân đức tin. Chúa Nhật vị Mục tử Nhân lành, ngày cầu nguyện cho ơn gọi, qua mẫu gương của thánh Phaolô, tôi có thao thức gì trong ơn gọi của mình trước lệnh truyền ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân trong bối cảnh thế giới hôm nay?

2. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ” (Kh 7,17). Thế giới hiện nay vẫn còn biết bao cảnh khốn cùng trên thân phận của con người. Tuy vậy, Thiên Chúa vẫn hứa ban thưởng cho những người công chính, khi bị bách hại hay chịu nhiều khổ đau ở đời này. Chúa Nhật vị Mục tử Nhân lành, tôi có thao thức gì trước nỗi khổ đau của những anh chị em tôi, để cùng với Chúa Giêsu, mang niềm hy vọng và ủi an đến cho con người?

3. Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”(Ga 10,28). Đức Giêsu, vừa là vị Mục tử chăn giữ và bảo vệ đàn chiên, vừa là Con Chiên hiến mình vì đồng loại. Chúa Nhật vị Mục tử Nhân lành, tôi cảm nghiệm điều gì về tình Chúa với con người, với tôi, và tôi có muốn trở thành một vị mục tử nhân hiền như Chúa, để cùng với Người chăn dắt đàn chiên hôm nay?

 

B. SUY NIỆM:

1. Hình ảnh Mục Tử trong Cựu Ước và Tân Ước:

Trong Cựu Ước, hình ảnh Mục Tử Nhân Lành đã được các ngôn sứ dùng để ám chỉ Đức Chúa như sau: “Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính, vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23,1-4). Hình ảnh người mục tử cũng được dùng để ám chỉ các vị lãnh đạo thời bấy giờ. Nhưng thật đáng buồn khi các vua chúa đã không sống đúng vai trò mục tử của mình như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm Lời Đức Chúa quở trách họ: “Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình!… Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng chạy tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi,  trên khắp mặt đất… thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm” (Ed 34,2-6).

Sang thời Tân Ước, Đức Giê-su cũng khẳng định: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Kẻ làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh ta, nên khi thấy sói đến, anh ta liền bỏ chiên mà chạy trốn. Sói vồ lấy chiên và làm cho đoàn chiên tan tác, vì anh ta chỉ là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến đoàn chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên tôi, và chiên của tôi biết tôi. Như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” (Ga 10,11-16).

 

2. Hai loại mục tử:

Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã phân biệt ra hai loại mục tử như sau:

- Mục tử nhân lành: Đức Giê-su nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14). Đức Giê-su đã thể hiện sứ vụ mục tử của loài người: Trong thời gian giảng đạo, Người đã đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, dạy cho người ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu và đòi chúng ta phải biết đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng việc yêu thương tha nhân bên cạnh, nhất là yêu thương những người nghèo hèn bệnh tật và bị bỏ rơi (x Mt 13,1-9). Người đến để cho “chiên được sống và sống dồi dào” (10,10). Đây cũng là sứ vụ mà các mục tử hôm nay cần quan tâm thực hiện, là lo cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào qua việc chuyên tâm dạy giáo lý và rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Dồi dào qua việc tích cực góp phần chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền của dân (x. Mt 8,16-17), xua trừ ma quỷ (x. Mt 9,32-34), chia sẻ cơm bánh (x. Mt 14,15-21), phục sinh kẻ chết (x. Ga 11,43-44).

- Mục tử giả hiệu: Là người chăn thuê, ám chỉ các đầu mục dân Do Thái đương thời gồm các kinh sư, người Pha-ri-sêu và các tư tế phục vụ Đền thờ. Những người này “không thiết gì đến chiên” (10,13), vô trách nhiệm trước sự an nguy của đoàn chiên: “khi thấy sói đến, họ bỏ chiên mà chạy”, để “sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (10,12). Đối với hạng mục tử này, đoàn chiên chỉ có giá trị lợi dụng để phục vụ cho họ như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm lời Đức Chúa: “Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Sữa chiên thì các ngươi uống, len thì các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, nhưng đoàn chiên thì lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc” (Ed 34,2-4).

 

3. Thế nào là một mục tử lý tưởng theo Đức Thánh Cha Phan-xi-cô?

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô quan niệm mục tử lý tưởng phải là “người gần gũi với dân chúng, là người cha, người anh em, với sự hiền dịu, kiên nhẫn và thương xót”. Là những người yêu sự khó nghèo, sự khó nghèo nội tâm trước mặt Chúa, cũng như khó nghèo bên ngoài như sự đơn sơ và khắc khổ trong cuộc sống. Là những người không có “tâm lý của các ông hoàng”. Là những người không tham vọng và là các phu quân của Giáo Hội. Là những người có khả năng thức tỉnh đoàn chiên được giao phó, và quan tâm duy trì sự hiệp nhất, canh giữ đoàn chiên, chú ý tới các hiểm nguy có thể đe dọa đoàn chiên. Nhất là, làm cho niềm hy vọng được lớn lên. Ước gì các Mục Tử luôn có mặt trời và ánh sáng trong trái tim. Là những người có khả năng hỗ trợ Thiên Chúa nơi dân Người, với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn.

Cuối cùng vị mục tử có ba vị trí trong đoàn chiên khi thi hành sứ vụ chăn dắt đoàn chiên như sau:

- Một là ở đàng trước để dẫn đường.

- Hai là ở giữa để duy trì sự hiệp nhất và động viên tinh thần của đoàn chiên.

- Ba là ở đàng sau để tránh cho chiên khỏi đi tụt hậu, và tạo điều kiện để đoàn chiên đánh hơi hầu tìm ra một hướng đi mới cho đoàn.

Trong kinh Năm Thánh “Lòng Chúa thương xót” có đoạn cầu cho các mục tử trong Hội Thánh như sau: “Xin cho Hội Thánh được nên gương mặt hữu hình của Chúa nơi trần gian, gương mặt của Chúa sống lại hiển vinh. Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng phải khoác lên người sự yếu đuối để biết đồng cảm với những người đang sống trong u mê và lầm lạc: xin cho mọi người đến với các thừa tác viên đều thấy mình được Thiên Chúa tìm kiếm, yêu thương và tha thứ.”

 

4. Ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu:

Hiện nay trên thế giới nhất là tại các nước Âu Mỹ đang thiếu ơn gọi linh mục tu sĩ cách trầm trọng. Nhiều nhà thờ không có linh mục coi sóc, nhiều tu viện to lớn bị bỏ hoang vì không còn tu sĩ trẻ. Nguyên nhân của tình trạng này rất nhiều. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do lỗi của mỗi tín hữu chúng ta: Vì chưa ý thức được tầm quan trọng của sứ vụ truyền giáo nên chúng ta chưa thiết tha nài xin Thiên Chúa sai thêm thợ gặt đến, chưa canh tân đời sống để làm chứng nhân tình thương của Chúa Giê-su trước mặt người đời; Các bậc cha mẹ công giáo chưa quảng đại dâng con cho Chúa và không khuyến khích chúng đi tu làm linh mục và làm tu sĩ để phục vụ Chúa và Hội Thánh cách hữu hiệu hơn.

Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II trong sứ điệp về ơn gọi năm 1996 cũng nhắc đến vai trò của giáo xứ trong việc vun trồng ơn thiên triệu như sau: “Phải làm sao để mỗi giáo xứ trở thành một cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa, cộng đoàn cầu nguyện, hăng say làm việc tông đồ và luôn quan tâm phục vụ những người nghèo khổ. Giới trẻ hôm nay vẫn không thiếu những tâm hồn quảng đại, không thiếu những người trẻ muốn sống cuộc đời lý tưởng và có ý nghĩa. Họ cần được hướng dẫn để gặp được Đức Giê-su, để nghe lời Người và đi theo làm môn đệ của Người, sẵn sàng chia sẻ sứ mạng cứu độ của Người”.

 

II. CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho chúng con những linh mục biết quảng đại, hy sinh phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Xin ban cho chúng con những linh mục có trái tim biết yêu thương bằng tình yêu của Chúa, một trái tim mở rộng để sẵn sàng đón nhận hết mọi người, nhất là những người đau khổ và bị bỏ rơi. Xin ban cho chúng con những linh mục có đức tin vững mạnh, luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa, để giúp chúng con gặp được chính Chúa qua các ngài. Xin ban cho chúng con những linh mục biết nhiệt tình rao giảng Lời Chúa, có sức làm bùng cháy ngọn lửa yêu thương trong lòng chúng con, giúp chúng con thêm đức tin để nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong mọi người. Cuối cùng xin Chúa ban cho chúng con những linh mục là những vị chủ chăn tốt lành, giàu lòng từ bi thương xót noi gương Chúa xưa, Đấng đến để cho chiên “được sống và sống dồi dào”. Xin cho các gia đình Công giáo trở thành một môi trường tốt ươm trồng ơn thiên triệu, bằng việc tạo bầu khí đạo đức và yêu thương giữa các thành viên với nhau. Xin cho chúng con luôn kính trọng yêu mến các linh mục coi sóc chúng con, thành tâm cộng tác với các ngài, sẵn sàng giúp đỡ các ngài chu toàn nhiệm vụ. Ước gì giáo xứ chúng con trở thành một cộng đoàn luôn hiệp thông giữa chủ chăn và đàn chiên, là điều kiện để giáo xứ phát triển cả về vật chất cũng như tinh thần. Nhờ đó chúng con sẽ chu toàn được sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa giữa lòng xã hội Việt Nam hôm nay. Amen.

 

GOSPEL (Jn 10:27-30):

Jesus said:
“My sheep hear my voice;
I know them, and they follow me.
I give them eternal life, and they shall never perish.
No one can take them out of my hand.
My Father, who has given them to me, is greater than all,
and no one can take them out of the Father’s hand.
The Father and I are one.”

The Gospel of the Lord.

 

Ban Mục Vụ Phụng Tự

Lm. Đan Vinh

 

Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm C -

TIN MỪNG: Ga 21,1-19.

Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông. Rồi cá, Người cũng làm như vậy.

Tin Mừng Chúa Giêsu Ki-tô theo Thánh Gioan:

Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này: Ông Si-mon Phê-rô, Ông Tô-ma gọi là Điđymô, ông Na-thanaen người Cana miền Ga-li-lê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-mon Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền. Nhưng đêm hôm ấy họ không bắt được gì cả. Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không”. Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó”. Vừa nghe nói “Chúa đó”, ông Si-mon Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ, kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần trăm thước. Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”. Ông Si-mon Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong đám môn đệ dám hỏi: “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông. Rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi chỗi dậy từ cõi chết. Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-mon Phê-rô: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? “Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy. Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng, và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào, để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy”.

Đó là Lời Chúa.

  

I. GỢI Ý & SUY NIỆM:

Đây là đoạn cuối của Tin mừng thứ tư, gồm 4 phân đoạn:

1. Các Tông đồ tập trung tại miền Ga-li-lê rủ nhau đi đánh cá và kết quả các ông không bắt được con cá nào! (C1-3).

2. Chúa Phục Sinh xuất hiện chỉ cho các ông nơi thả lưới. Các ông vâng lời và đã bắt được mẻ cá lạ lùng. Nhờ đó các ông đã nhận ra Người (C4-8).

3. Trong bữa ăn sáng đã được dọn sẵn, Chúa Phục Sinh đã truyền lấy thêm cá mới bắt được và đã cử hành Lễ Bẻ Bánh giống như đã từng làm trước đó (C9-14).

4. Cuối cùng Chúa Phục Sinh đã sát hạch Phê-rô về lòng yêu mến trước khi trao quyền mục vụ chăn dắt đoàn chiên cho ông. Người cũng tiên báo về cái chết đau thương của ông lúc cuối đời (C15-19).

 

A. GỢI Ý:

1. “Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu”.Các Tông Đồ đã xem những đau khổ họ chịu vì danh Đức Giêsu là niềm vinh dự lớn lao, nên họ đã xác tín và dấn thân cho việc rao giảng về Đức Giêsu phục sinh. Tôi có can đảm và hăng say loan báo Đức Giêsu cho người khác? Đời sống của tôi có là lời chứng về Đức Giêsu Phục sinh? Trong cuộc sống thường nhật, giữa bao cám dỗ của tiền tài và danh vọng, giữa bao áp lực của xã hội và người đời, tôi có dám sống theo các đòi hỏi của Tin Mừng, tôi có dám vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm?

2. “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc”.Đức Giêsu lãnh nhận tất cả mọi vinh quang và danh dự, do hiến tế của Người trên thập giá vì yêu chúng ta. Tôi có yêu mến và cảm nghiệm tình yêu của Đức Giêsu? Tôi có biết kết hiệp những vui buồn của đời sống tôi với những đau khổ của Đức Giêsu để được hưởng vinh quang với Người? Tôi có tôn kính Đức Giêsu, Con Chiên đã bị giết vì tôi, hơn mọi quyền lực của thế gian?

3. “Này Simôn, con Gioan, anh có yêu mến Thầy không?”Đây cũng là câu hỏi mà Đức Giêsu dành cho tôi: Con có yêu mến Thầy không? Tôi phải thể hiện lòng yêu mến Đức Giêsu như thế nào trong đời sống? Đức Giêsu luôn yêu thương tôi và trên thập giá, Người đã thốt lên: “Ta khát”. Tôi có nhận ra Người vẫn khát khao tình yêu của tôi đối với Người và đối với anh chị em xung quanh? Tôi có động lòng trắc ẩn trước những nổi khổ đau của người bất hạnh, trái tim tôi có rung cảm để thúc đẩy đôi tay hành động một điều gì đó cụ thể trước những khó khăn của người nghèo đang sống quanh tôi?

4. Trước nhiều đau khổ của thời đại chúng ta, xin Thiên Chúa của sự sống đừng để chúng ta thờ ơ và lạnh lùng. Xin Người làm cho chúng ta trở nên những người xây những cây cầu, chứ không phải những bức tường.Đó huấn dụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Sứ điệp Phục Sinh 2019. Lãnh nhận ơn Phục sinh, chúng ta có nỗ lực trở thành những cầu nối giữa Thiên Chúa và con người và giữa tha nhân với nhau? Hay vô tình trở thành những bức tường ngăn cản mọi tương quan?

 

B. SUY NIỆM:

1. Mẻ  cá lạ lùng là hình ảnh của sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh:

Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thuật lại câu chuyện đã xảy ra trên bờ hồ Ti-bê-ri-a hay là Ghen-nê-sa-rét thuộc xứ Ga-li-lê, nơi các môn đệ Đức Giê-su đã từng hành nghề đánh cá trước khi theo làm môn đệ Người. Đây cũng là nơi mà Chúa Phục Sinh đã nhắn tin cho các môn đệ phải trở về Ga-li-lê để gặp Người. Trong lúc rảnh rỗi, các ông đã rủ nhau đánh bắt cá trong biển hồ. Nhưng sau một đêm vất vả cực nhọc vô ích, vào lúc tảng sáng, các ông đã gặp được Chúa Phục Sinh đứng trên bờ hồ mà các ông không nhận ra. Người đã hướng dẫn các ông đánh bắt cá và kết quả là một mẻ cá lạ lùng. Môn đệ Gio-an đã nhận ra Thầy Giê-su trước hết. Còn Phê-rô khi biết là Chúa Phục Sinh, liền khoác áo vào rồi nhảy xuống nước bơi vào bờ để gặp Thầy cho nhanh.

Về con số 153 con cá lớn theo các nhà chú giải Kinh Thánh là tượng trưng cho mọi loại cá thời bấy giờ.

 

2. Những khó khăn trên bước đường loan báo Tin Mừng:

Việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng không phải là điều dễ dàng: Bài đọc I trong sách Công vụ Tông đồ cho thấy các môn đệ của Chúa đã bị các đầu mục Do thái cấm rao giảng về danh Chúa Giê-su. Nhưng các ngài đã sẵn sàng chịu hình phạt để chu toàn sứ vụ này. Tông đồ Phao-lô nhiều lần bị ném đá, bị đánh đòn, bị cùm trong ngục tù, bị đắm tàu, đói khát, mình trần… vì danh Chúa Giê-su. Cuối cùng hầu hết các tông đồ đều chịu chết để làm chứng cho Chúa.

Thực ra, sứ vụ rao giảng Tin Mừng không dành riêng cho các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ… mà chung cho mọi tín hữu đã chịu phép rửa tội và Thêm Sức. Ở mọi nơi mọi lúc, người làm tông đồ rao giảng Tin Mừng đều có thể gặp phải những khó khăn bách hại … Nếu chỉ dựa vào sức riêng, chắc chắn chúng ta sẽ dễ thất bại và nản chí buông xuôi. Nhưng nếu biết cậy nhờ ơn Thánh Thần hướng dẫn trợ lực, chúng ta sẽ luôn hăng hay chu toàn sứ vụ này và đạt được nhiều thành quả to lớn. Điều quan trọng là chuyên cần lắng nghe Lời Chúa, suy niệm để tìm hiểu ý Chúa và quyết tâm thực hành với ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, thì sẽ đạt kết quả.

 

3. Tin yêu là điều kiện để được ơn tha tội và được trao quyền chăn chiên:

Sau bữa ăn thân mật trên bãi biển, Chúa Phục Sinh đã tâm sự riêng với ông Phê-rô. Trước khi trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh, Chúa Phục Sinh đã đòi Phê-rô tuyên xưng ba lần yêu mến như sau: “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Qua đó Người đòi các mục tử phải có lòng mến Người hơn những người khác. Đồng thời qua việc tuyên xưng này, Người gián tiếp tha tội đã chối Thầy cho Phê-rô.

Đáp lại câu hỏi của Chúa, ông Phê-rô đã ba lần thưa như sau: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Trên cơ sở lòng mến này, Chúa Giê-su đã lần lượt trao ban quyền chăn dắt chiên con và chiên mẹ cho ông.

 

4. Cảm thông và cộng tác với các mục tử trong Hội Thánh hôm nay:

Ngày nay, có biết bao các vị mục tử đang âm thầm chịu thiệt thòi đau khổ, để chu toàn sứ vụ loan báo Tin mừng. Các ngài đã can đảm trung thành với nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên, giống như các tông đồ xưa khi bị điệu ra Thượng Hội Đồng Do thái, đã trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5, 29).

Ngày nay, các tín hữu chúng ta cần biết cảm thông với những khó khăn gian khổ của các vị mục tử đang phải chịu để năng cầu nguyện cho các ngài. Nhất là mỗi người chúng ta phải trở thành những cánh tay nối dài của các vị chủ chăn bằng cách quảng đại góp phần xây dựng cơ sở vật chất và sẵn sàng đảm nhận việc phục vụ cộng đoàn theo sự phân công của các ngài.

Để làm được điều này, chúng ta cần hăng hái gia nhập vào các hội đoàn Tông Đồ Giáo Dân để được bồi dưỡng đức tin qua các sinh hoạt học sống Lời Chúa hằng tuần, chu toàn các công tác tông đồ bác ái được cấp trên phân công. Ngoài ra, còn phải năng dự lễ và rước lễ để được kết hiệp với Chúa, hầu chu toàn sứ vụ.

 

II. CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, lúc chúng con đi tìm Chúa trong nước mắt sầu thương, xin hãy âu yếm gọi tên chúng con, như Chúa đã gọi tên chị Ma-ri-a Mác-đa-la khi chị đứng khóc bên cạnh ngôi mồ trống. Lúc chúng con chán nản muốn bỏ Chúa để trở về cuộc sống đời thường, xin hãy cùng đi với chúng con trên những nẻo đường dài, như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ về làng Em-mau. Lúc chúng con đang đóng kín cửa lòng vì sợ hãi, xin Chúa hãy ngự đến chúc bình an, như Chúa đã hiện đến trấn an các tông đồ đang khiếp nhược sợ hãi. Lúc chúng con đang cố chấp muốn làm theo ý riêng và ngày một xa cách anh em, xin hãy biến đổi lòng trí chúng con, như Chúa đã không bỏ mặc Tô-ma cứng tin, nhưng đã giúp ông cảm nghiệm mầu nhiệm Phục Sinh và tuyên xưng đức tin. Lúc chúng con đã vất vả thâu đêm mà không đạt tới kết quả nào, xin hãy dùng Lời Chúa dẫn đường chỉ lối cho chúng con và bổ dưỡng chúng con bằng bữa tiệc Thánh như Chúa đã phục vụ các Tông đồ tại bờ hồ Ga-li-lê. Amen.

 

GOSPEL (Jn 21:1-19):

At that time, Jesus revealed himself again to his disciples at the Sea of Tiberias.
He revealed himself in this way.
Together were Simon Peter, Thomas called Didymus,
Nathanael from Cana in Galilee,
Zebedee’s sons, and two others of his disciples.
Simon Peter said to them, “I am going fishing.”
They said to him, “We also will come with you.”
So they went out and got into the boat,
but that night they caught nothing.
When it was already dawn, Jesus was standing on the shore;
but the disciples did not realize that it was Jesus.
Jesus said to them, “Children, have you caught anything to eat?”
They answered him, “No.”
So he said to them, “Cast the net over the right side of the boat
and you will find something.”
So they cast it, and were not able to pull it in
because of the number of fish.
So the disciple whom Jesus loved said to Peter, “It is the Lord.”
When Simon Peter heard that it was the Lord,
he tucked in his garment, for he was lightly clad,
and jumped into the sea.
The other disciples came in the boat,
for they were not far from shore, only about a hundred yards,
dragging the net with the fish.
When they climbed out on shore,
they saw a charcoal fire with fish on it and bread.
Jesus said to them, “Bring some of the fish you just caught.”
So Simon Peter went over and dragged the net ashore
full of one hundred fifty-three large fish.
Even though there were so many, the net was not torn.
Jesus said to them, “Come, have breakfast.”
And none of the disciples dared to ask him, “Who are you?”
because they realized it was the Lord.
Jesus came over and took the bread and gave it to them,
and in like manner the fish.
This was now the third time Jesus was revealed to his disciples
after being raised from the dead.
When they had finished breakfast, Jesus said to Simon Peter,
“Simon, son of John, do you love me more than these?”
Simon Peter answered him, “Yes, Lord, you know that I love you.”
Jesus said to him, “Feed my lambs.”
He then said to Simon Peter a second time,
“Simon, son of John, do you love me?”
Simon Peter answered him, “Yes, Lord, you know that I love you.”
Jesus said to him, “Tend my sheep.”
Jesus said to him the third time,
“Simon, son of John, do you love me?”
Peter was distressed that Jesus had said to him a third time,
“Do you love me?” and he said to him,
“Lord, you know everything; you know that I love you.”
Jesus said to him, “Feed my sheep.
Amen, amen, I say to you, when you were younger,
you used to dress yourself and go where you wanted;
but when you grow old, you will stretch out your hands,
and someone else will dress you
and lead you where you do not want to go.”
He said this signifying by what kind of death he would glorify God.
And when he had said this, he said to him, “Follow me.”

The Gospel of the Lord

 

Ban Mục Vụ Phụng Tự

Lm. Đan Vinh

 

1/5: Lễ Thánh Giuse Thợ - Năm C -

TIN MỪNG: Mt 13,54-58. 

“Ông không phải là con bác thợ sao?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Ki-tô theo Thánh Mát-thêu:

Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

Đó là Lời Chúa.

 

I. GỢI Ý & SUY NIỆM:

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ kính Thánh Giuse Lao động. Sở dĩ có thánh lễ hôm nay là vì Giáo Hội muốn cho chúng ta ý thức được giá trị cao quí của lao động trong đời sống của mỗi người chúng ta.

Quả vậy, lao động có những giá trị to lớn nhưng nhiều khi chúng ta không nhìn ra. Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” đã có những lời lẽ rất hay về vấn đề này: “Thực vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng mọi loài, họ qui hướng về Người chính bản thân mình cũng như muôn vật: như thế, khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu. Những điều nhận định trên đây cũng ứng dụng được nơi những công việc hoàn toàn thường nhật. Thực vậy trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình, họ tiếp nối công trình của Ðấng Tạo Hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử.” (Chương III số 34)

 

A. GỢI Ý:

1. Không ai được tôn trọng ở quê hương của mình”. Đây chính là câu nói nổi tiếng của Chúa Giêsu và có tính cách tiên tri. Thật vậy, trải qua biết bao thế hệ, từ những bậc tiền nhân đến chúng ta, hẳn mọi người đều biết hay đã cảm nghiệm được tính tiên tri của Chúa Giêsu qua câu nói trên hoàn toàn ứng nghiệm. Chúa Giêsu trở về quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào Đền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận hoặc từ chối.

2. Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu về giảng tại quê hương của mình cũng làm dấy lên những thông tin trái chiều về Ngài. Những người đồng hương Nazareth có lẽ đã nghe đồn thổi về Ngài và càng ngạc nhiên hơn khi nghe chính Ngài phát biểu trong Hội đường của họ. Những thành tích về sự khôn ngoan và phép lạ Ngài làm đã dấy lên trong họ câu hỏi: “Phải chăng Ngài không phải là Đấng Cứu Tinh mà Thiên Chúa đã hứa cho dân tộc?” Và họ bắt đầu tra cứu với một phương pháp rất khoa học: họ mở Kinh thánh ra và thấy rằng Đấng Cứu Tinh xuất thân từ một nơi khác, chứ không phải từ ngôi làng nghèo nàn tăm tối như Nazareth. Họ điều tra về nguồn gốc Chúa Giêsu và thấy rằng: cha mẹ và anh em Ngài đều là những người nghèo hèn mà họ biết rõ ngọn nguồn. Với lối suy luận và lý luận rất khoa học ấy, những người đồng hương với Chúa Giêsu đã khước từ Ngài. Nguồn gốc tăm tối của Chúa Giêsu đã là mạng chắn khiến họ không tin nhận nơi Ngài.

3. Thành kiếnđược định nghĩa là một suy nghĩ, một cái nhìn khó thay đổi về việc gì đó. Khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình “như đúng rồi” lại còn úp lên đó cái khung cứng nhắc của cảm tính, người thành kiến sẽ không thể nhìn người khác như họ là, mà trái lại sẽ đánh giá theo kiểu: “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”.Chẳng những thế, người thành kiến lại thích đeo cặp kính đen để chỉ nhìn thấy phương diện xấu xa, bi quan, tiêu cực của sự việc. Những người đồng hương đương thời với Đức Giêsu đã nhìn Người với đôi mắt thành kiến như thế. Đối với họ thì gà thì đẻ ra gà, chứ không thể đẻ ra công được. Với cái nhìn thành kiến, họ không thể nào nhận ra Đức Giêsu mà họ vẫn tưởng là con bác thợ mộc Giuse lại là Con Thiên Chúa được (5 phút Lời Chúa).

 

B. SUY NIỆM:

1. Lao động làm cho con người tìm được niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống mình:

Vào thời Trung cổ, có một tín hữu Kitô nọ muốn thực hiện một cuộc hành hương. Sau vài ngày đi bộ, người đó bị lạc vào trong một khu rừng vắng. Tuy là khu rừng vắng nhưng hai bên đường, người ta cũng thấy có những người thợ đá đang cố gắng đục đẽo và vác trên vai từng tảng đá lớn đem về. Người khách hành hương mon men đến gần một người thợ, mồ hôi đang chảy ra nhễ nhãi và muốn gợi chuyện, nhưng người thợ đập đá ấy chỉ trả lời một cách nhát gừng.

- Ông không thấy tôi đang lao động một cách vất vả sao mà cứ hỏi hoài vậy?

Người khách hành hương tìm đến người thứ hai, người này còn có dáng vẻ nặng nhọc hơn. Được hỏi đang tham gia vào công trình xây dựng nào, người thợ này chỉ trả lời.

- Người ta thuê tôi làm việc, tôi chỉ biết rằng từ sáng sớm đến chiều tà, tôi đổ mồ hôi sôi con mắt ra là để kiếm cơm bánh cho vợ con tôi thôi, còn xây dựng gì thì tôi không cần biết.

Trong thinh lặng, người khách hành hương lại tiếp tục cuộc hành trình. Lên đến đỉnh đồi ông lại gặp một người thợ đập đá khác. Người này cũng có dáng vẻ mệt nhọc tiều tụy không kém 2 người trước, nhưng nhìn kỹ trong ánh mắt của người thợ đập đá này, người khách hành hương thấy toát lên một sự thanh thản và nhẫn nhục lạ thường. Đến gần người khách hành hương lên tiếng hỏi.

- Ông đang làm gì đó?

Người đàn ông mỉm cười và vui vẻ đáp:

- Ông không biết à, tôi đang góp công xây dựng một ngôi thánh đường

Và người thợ đập đá đưa tay chỉ xuống một thung lũng, nơi đó, người khách hành hương nhận ra một ngọn tháp cao và từng viên đá được xếp lại ngay ngắn để làm nên bốn bức tường của một ngôi thánh đường.

Vâng! Cùng một công việc nhưng người ta đã không có được một cái nhìn giống nhau về mục đích của nó. Và chính vì thế mà cuộc sống của con người khác nhau: người thì được hạnh phúc, kẻ thì phải đau khổ. Hãy cố mà tìm ra cho cuộc đời của mình một ý nghĩa qua những công việc hằng ngày để từ đó chúng ta có thể có được thật nhiều niềm vui!

 

2. Lao động còn giúp con người sống tình liên đới một cách tốt đẹp hơn:

Trong suốt mùa hè năm ấy, tôi có dịp quan sát một bé trai khoảng 12 tuổi, mỗi buổi sáng vào lúc 7 giờ, đến làng bên cạnh là địa phương chúng tôi để giao bánh mì. Đây là một em bé linh động, luôn vui vẻ và đúng giờ như một chiếc đồng hồ. Em dừng lại trước cửa những nhà giàu có muốn có bánh mì ăn sáng và sau đó lại vội vã đạp xe trở về nhà.

Ngày nọ, tôi có một cuộc đối thoại lý thú với em bé này như sau:

- Mỗi buổi sáng em phải dậy sớm, vậy em tự mình dậy hay phải có ai thức em dậy?

- Má em! Má em đánh thức tất cả mọi người trong nhà, trước hết là em. Kế đó, má cho em ăn sáng và em ra đi. Sau đó, má đánh thức ba dậy, dọn xúp cho ba ăn trước khi ba đi làm. Rồi lại đến giờ đánh thức mấy đứa em của em dậy đi học. Xong xuôi tất cả thì má lo cho đứa út, cho nó uống sữa và cuối cùng mẹ tự dùng sáng.

Mỗi chuyến giao hàng buổi sáng em được người ta trả cho bao nhiêu?

- Mỗi tuần 20 quan. Em có 10 khách hàng.

- Thế ba em lãnh một ngày được bao nhiêu?

- 30 quan, em nghĩ vậy.

- Còn má em, má em nhận được bao nhiêu?

- Má em ư?- Em bé nhìn tôi lộ vẻ kinh ngạc-. Nhưng má làm việc không vì gì cả cơ mà!

Vâng! Công việc làm là phương cách hữu hiệu nối kết con người lại với nhau trong tình tương thân tương ái và nhờ đó họ có thể cảm nghiệm được tình đoàn kết với nhau một cách cụ thể hơn.

Chúa đã tạo dựng nên mỗi người một cách độc đáo không ai giống ai. Chẳng có ai là hoàn toàn trên trần gian này. Chúa tạo dựng nên mỗi người trong hạn hẹp bất toàn như vậy là để cho con người biết quý trọng nhau, biết hợp tác với nhau để nhờ đó mà cuộc sống của con người được tốt đẹp hơn.

 

3. Lao động là con đường làm cho con người trở nên xứng đáng làm người hơn:

Sau khi tạo dựng nên con người trong vườn địa đàng, Thiên Chúa trao cho con người trách nhiệm trông coi công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã từng nói: “Cha ta và ta hằng làm việc và làm việc không ngừng”(Ga 5,17). Thiên Chúa vẫn hằng làm việc. Như vậy khi ta làm việc là ta cộng tác với Thiên Chúa để làm cho trái đất này mỗi ngày mỗi đẹp hơn và cũng làm cho cuộc đời của ta giống Chúa hơn. “Cha ta và ta hằng làm việc và làm việc không ngừng”

Thiền sư Trung Hoa Hyakyjo thường làm việc với các đệ tử, mặc dù ông đã 80 tuổi. Ông thường nhổ cỏ trong vườn, quét sân, hái củi. Các đệ tử của ông cảm thấy buồn vì ông thầy già của họ làm việc cực nhọc, không chịu nghỉ ngơi theo lời họ khuyên. Vì thế, một lần kia họ đem giấu hết dụng cụ làm việc của thầy Hyakyjo. Ngày hôm đó, thầy Hyakyjo không chịu dùng bữa. Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, ông thầy già cũng không ăn. Các đệ tử đoán: “Chắc bởi vì tụi mình dấu đồ làm việc của thầy chứ gì? Thôi, tốt hơn là đem trả lại chỗ cũ cho thầy”. Thế rồi, ngày họ làm việc, ông thầy già cũng làm và dùng bữa như trước. Chiều đến, Hyakyjo dạy họ: “Không làm, không ăn!”.

 

II. CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, dân làng Nazareth đã không tin Chúa vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công. Các môn đệ đã không tin Chúa khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự. Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa chỉ vì Chúa sống như một con người, cũng có lúc chúng con không tin Chúa hiện diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh mục yếu đuối, trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn. Dường như Chúa thích ẩn mình nơi những gì thế gian chê bỏ, để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin. Xin thêm đức tin cho chúng con để khiêm tốn thấy Ngài tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.

 

GOSPEL (Mt 13:54-58):

He came to his native place and taught the people in their synagogue.

They were astonished and said, “Where did this man get such wisdom and mighty deeds?

Is he not the carpenter’s son? Is not his mother named Mary and his brothers James, Joseph, Simon, and Judas?

Are not his sisters all with us? Where did this man get all this?”

And they took offense at him. But Jesus said to them, “A prophet is not without honor except in his native place and in his own house.”

And he did not work many mighty deeds there because of their lack of faith.

The Gospel of the Lord.

 

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

 

Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C -

TIN MỪNG: Ga 20,19-31. 

“Bình an cho anh em!”

Tin Mừng Chúa Giêsu Ki-tô theo Thánh Gioan:

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. Một người trong nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin. Tám ngày sau, các Môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ, nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

Đó là Lời Chúa.

 

I. GỢI Ý & SUY NIỆM:

Bài Tin Mừng thuật lại hai lần Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ cách nhau một tuần lễ, để chứng minh Người đã từ cõi chết trỗi dậy:

- Lần thứ nhất Chúa Giê-su đã hiện ra với các môn đệ mà thiếu Tô-ma. Người đã cho các ông xem các vết thương ở bàn tay và cạnh sườn Người rồi thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông (23).

- Lần thứ hai sau tám ngày, Chúa Phục Sinh lại hiện ra thỏa mãn đòi hỏi của Tô-ma và khi gặp Chúa Tô-ma đã tuyên xưng đức tin. Chúa Giê-su đã chúc phúc cho những ai không thấy mà tin! (29)

 

A. GỢI Ý:

1. Đức Kitô Phục sinh trao cho các Tông đồ năng quyền chữa bệnh, nhờ ơn Thánh Thần ban cho họ. Chính Thần khí của Đức Kitô Phục sinh cũng nối kết các Kitô hữu nên “đồng tâm nhất trí” trong việc sống và làm chứng cho Đấng Phục Sinh. Nhờ ơn Thánh Thần ban cho tôi qua Bí trích Rửa tội, Đức Kitô Phục sinh cũng mời gọi tôi tiếp nối sứ mạng chữa lành những tâm hồn mệt mỏi, đau khổ, chán nản và thất vọng. Đồng thời, Thần khí của Đức Giêsu Phục sinh cũng liên kết tôi nên “một lòng một ý” với tất cả các chi thể của Chúa Kitô để làm chứng cho Người bằng lối sống đoàn kết, yêu thương, chia sẻ và cầu nguyện.

2. Tác giả sách Khải huyền tự thấy mình là một người anh em yếu đuối trong cảnh tù đày, vì đã rao giảng và làm chứng về Đức Giêsu. Nhưng ngài được Đấng Phục sinh mạc khải và mời gọi hãy tiếp tục can đảm làm chứng cho Người, vì Người chính là Đấng đã chết mà nay đang sống, là Đấng là khởi đầu và cùng đích mọi sự. Con đường Giêsu mà tôi chọn dù khởi sự có chông gai, khó khăn thế nào rồi cũng sẽ dẫn đến vinh quang sự sống trong Đức Kitô Phục sinh, Đấng đã chết và sống lại vì tôi và cho tôi (x. 2 Cr 5,15). Tôi có sẵn sàng và can đảm làm chứng cho Đấng đã dám chết và sống lại cho tôi ?

3. Đức Giêsu Phục sinh mang lại bình an và niềm vui cho các môn đệ. Người cũng ban cho các ông ơn Thánh Thần và quyền tha tội để các ông tiếp tục làm chứng cho Người. Để có thể làm chứng cho Người, điều kiện căn cốt đối với các môn đệ là tin vào Đức Kitô Phục sinh. Thánh Tôma đã thấy và đã tin; đức tin được kiểm chứng cách rõ ràng của ngài là bằng chứng xác thực và là nền tảng căn bản cho đức tin vào Đức Kitô Phục sinh. Tôi được Chúa Kitô chúc phúc khi tin vào lời chứng sống động của các môn đệ, và tôi cũng được mời gọi làm chứng cho đức tin vào Người, một đức tin đem lại cho tôi sự sống thần linh của Đấng Phục sinh.

 

B. SUY NIỆM:

1. Chúa Phục Sinh luôn đồng hành với các môn đệ trong cuộc sống:

Chúa Giê-su Phục Sinh không bị giới hạn trong không gian: Người có thể xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau. Chẳng hạn: Hiện ra với bà Ma-ri-a Mác-đa-la ở gần ngôi mộ đã an táng Người; Hiện ra với các môn đệ tại nhà Tiệc Ly khi cửa đóng kín vì sợ người Do thái; Hiện ra với hai môn đệ trên con đường dài 11 cây số từ Giê-ru-sa-lem về làng Em-mau; Hiện ra với các môn đệ trên bờ hồ Ga-li-lê, sau khi các ông nghe tin nhắn và đang chài lưới bắt cá; Về sau, Người còn hiện ra tại cửa thành Đa-mát xứ Sy-ri-a, khi Sau-lô mang quân đến bắt các tín hữu.

Chúa Giê-su Phục Sinh cũng không bị giới hạn trong thời gian: Người xuất hiện với bà Ma-ri-a lúc sáng sớm khi trời còn tối. Người hiện ra bên bờ hồ với các môn đệ khi ánh bình minh đang ló rạng. Người hiện ra trong nhà Tiệc Ly vào buổi chiều ngày Thứ Nhất khi mới phục sinh. Người xuất hiện trên đường đi làng Em-mau lúc chiều tối. Đối với các tín hữu chúng ta, Chúa Phục Sinh luôn đồng hành trong mọi lúc mọi nơi. Người có thể xuất hiện qua những người chúng ta gặp hằng ngày ở giữa đời thường: Người có thể là người làm vườn khi hiện ra với Ma-ri-a Mác-đa-la; là một khách bộ hành đi cùng đường với hai môn đệ về lang Em-mau; là một người rành về nghề bắt cá khi chỉ dẫn thành công cho các môn đệ đã vất vả suốt đêm mà không bắt được con nào. Người xuất hiện để đánh tan sự nghi ngờ của ông Tô-ma.

 

2. Chúa Phục Sinh ban ơn bình an và niềm hy vọng cho các môn đệ:

Mỗi lần hiện ra, Chúa Phục Sinh đều chào chúc bình an như sau: “Bình an cho anh em”. Rồi cũng như khi sáng tạo A-đam thời kỳ sáng thế, Chúa Phục Sinh cũng thổi hơi ban sự sống cho các môn đệ đang bị chết về đức tin mà nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Chính Thần Khí của Chúa Phục Sinh sẽ dần mạnh mẽ lên cho đến lễ Ngũ Tuần thì trở thành Cơn Gió Lốc ào vào nhà các môn đệ mở tung cửa ra, làm cháy lên lửa tin yêu trong lòng các ông và đẩy các ông đi rao giảng Tin Mừng Chúa Phục Sinh khắp thế gian để ban ơn cứu độ muôn người.

Sau khi gặp Đức Kitô phục sinh, Ma-ri-a Mác-đa-la đang buồn bã trở nên vui tươi phấn khởi đi báo tin vui cho các anh em Chúa; Các môn đệ đang sợ hãi ẩn trốn trong nhà Tiệc Ly lấy lại được sự bình an; Hai môn đệ làng Em-mau đang u sầu tuyệt vọng trở nên nhiệt tình hăng say quay về Giê-ru-sa-lem báo tin cho các anh em; Các môn đệ đang mệt mỏi rã rời sau một đêm chài lưới vất vả vô ích, lập tức được hồi phục sức lực; Tô-ma đang tâm trạng nghi nan bối rối lấy lại niềm tin khi tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”.

 

3. Chúa Phục Sinh đã sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng:

Chúa Phục Sinh chính là Tin Mừng lớn lao mang lại ý nghĩa cho cuộc đời các môn đệ, nên họ không thể không loan báo Tin Mừng lớn lao đó: Ma-ri-a Mác-đa-la sau khi gặp Chúa Phục Sinh đã lập tức chạy về loan tin cho các môn đệ, thúc bách hai ông là Phê-rô và Gio-an chạy đua đến mộ để xem sự thể ra sao, và hai ông đã đạt tới đức tin; Hai môn đệ làng Em-mau lập tức trở về Giê-ru-sa-lem loan báo tin vui cho các anh em; Và sau này, Sau-lô sau khi bị ngã ngựa, đã gặp Chúa Phục Sinh và trở thành thánh Phao-lô, vị tông đồ dân ngoại hăng say loan báo Tin Mừng không mệt mỏi…

Có thể nói: Tất cả những người đã gặp Chúa Phục Sinh đều trở thành sứ giả đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người, đều sẵn sàng lấy máu mình làm chứng cho lời mình rao giảng. Vì Đức Kitô phục sinh chính là một Tin Mừng không thể không chia sẻ cho mọi người.

 

4. Loan báo Tin Mừng chính là làm chứng về lòng Chúa thương xót:

Trước khi về trời, Chúa Phục Sinh đã ra lệnh truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19-20). Loan báo Tin Mừng chính là làm chứng nhân của Chúa dưới ơn phù trợ của Thánh Thần như lời Chúa Phục Sinh: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8).

Lệnh sai đi loan báo Tin Mừng làm chứng nhân của Chúa Phục Sinh không thể không thi hành, như thánh Phao-lô nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16). Hôm nay Chúa Phục Sinh cũng đang ở bên chúng ta trong mọi thời gian: từ khi mới chào đời đến tuổi thanh niên, từ tuổi trung niên đến giờ chết của mỗi người. Chúa Phục Sinh vẫn luôn ở bên chúng ta mọi nơi mọi lúc: Tại nhà thờ, nơi trường học, ở sở làm, nơi giải trí, trong gia đình, tại khu xóm. Người vẫn ở bên ta trong mọi cảnh ngộ vui buồn của cuộc đời của chúng ta… Chỉ cần dừng bước là chúng ta có thể gặp được Người đang hiện thân nơi người bên cạnh, nhất là nơi những người đau khổ bệnh tật nghèo đói vật chất cũng như tinh thần. Chúng ta sẽ đối xử thế nào với Người để có được sự bình an, có sự sống dồi dào trong tình thương của Chúa…

Hôm nay là Chúa Nhật 2 Phục Sinh, kính nhớ lòng Chúa thương xót, Hội Thánh mời gọi chúng ta ý thức thân phận tội nhân của mình, đã được Chúa Giê-su chịu chết đền tội thay và đã sống lại để phục hồi sự sống cho chúng ta. Chúng ta cũng phải thể hiện lòng thương xót tha nhân noi gương Chúa Cha trên trời là Đấng giàu lòng từ bi đã thể hiện lòng thương xót đối với chúng ta. Chúa đang cần có thêm những người tốt để Ngài có thể tha thứ thế giới tội lỗi, giống như tổ phụ Áp-ra-ham xưa đã cầu xin Đức Chúa tha tội và không giáng phạt dân thành Sô-đô-ma, bằng việc tìm ra những người công chính trong thành. Cuối cùng do không tìm được đủ 10 người công chính, nên thành Sô-đô-ma đã bị lửa sinh diêm từ trời rơi xuống tiêu diệt. Hôm nay, cùng với thánh nữ Faus-ti-na, chúng ta cũng dâng lên Thiên Chúa những đau khổ chúng ta đang phải chịu, như của lễ đền tội, để xin Chúa tha tội loài người. Chúng ta cũng không quên dâng lên Chúa bản thân chúng ta, gia đình chúng ta và cả nhân loại để Ngài dủ lòng thương xót tha thứ và biến đổi thế giới chúng ta đang sống sớm nên “Trời Mới Đất Mới” đẹp lòng Ngài.

 

II. CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt Qua của Chúa: Vượt qua đau khổ sự chết để được vào vinh quang sống lại. Xin cho chúng con biết sống mầu nhiệm Vượt Qua mỗi ngày: Vượt qua những sự ích kỷ, nhỏ nhen và những đam mê đang kéo ghì chúng con xuống bùn đen tội lỗi, vượt qua những nỗi sợ hãi khổ đau và nhục nhã. Vượt qua những nỗi khắc khoải đa nghi và những thành kiến không tốt về người khác. Chính sự phục sinh của Chúa động viên chúng con vui mừng và can đảm vượt qua những mất mát thua thiệt gặp phải trong cuộc sống. Ước gì chúng con biết noi gương Chúa: luôn gieo rắc sự bình an và niềm hy vọng khắp nơi, gieo rắc sự an ủi cho những người bệnh hoạn tật nguyền, gieo tình thương và cơm bánh cho những người cô đơn đói khát. Gieo lòng thương xót cho các người đang lạc xa Chúa để họ mau trở về với Chúa. Nhờ đó, thế giới này sẽ trở nên “Trời Mới Đất Mới” đầy tình thương, bình an và hạnh phúc theo thánh ý Chúa. Amen.

 

GOSPEL (Jn 20:19-31):

On the evening of that first day of the week,
when the doors were locked, where the disciples were,
for fear of the Jews,
Jesus came and stood in their midst
and said to them, “Peace be with you.”
When he had said this, he showed them his hands and his side.
The disciples rejoiced when they saw the Lord.
Jesus said to them again, “Peace be with you.
As the Father has sent me, so I send you.”
And when he had said this, he breathed on them and said to them,
“Receive the Holy Spirit.
Whose sins you forgive are forgiven them,
and whose sins you retain are retained.”

Thomas, called Didymus, one of the Twelve,
was not with them when Jesus came.
So the other disciples said to him, “We have seen the Lord.”
But he said to them,
“Unless I see the mark of the nails in his hands
and put my finger into the nailmarks
and put my hand into his side, I will not believe.”
Now a week later his disciples were again inside
and Thomas was with them.
Jesus came, although the doors were locked,
and stood in their midst and said, “Peace be with you.”
Then he said to Thomas, “Put your finger here and see my hands,
and bring your hand and put it into my side,
and do not be unbelieving, but believe.”
Thomas answered and said to him, “My Lord and my God!”
Jesus said to him, “Have you come to believe because you have seen me?
Blessed are those who have not seen and have believed.”
Now Jesus did many other signs in the presence of his disciples
that are not written in this book.
But these are written that you may come to believe
that Jesus is the Christ, the Son of God,
and that through this belief you may have life in his name.

The Gospel of the Lord

 

Ban Mục Vụ Phụng Tự

Lm.Đan Vinh

 

Đại Lễ Mừng Chúa Phục Sinh -

TIN MỪNG: Ga 20,1-9. 

Người phải sống lại từ cõi chết.”

Tin Mừng Chúa Giêsu Ki-tô theo Thánh Gioan:

Sáng sớm ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp Si-mon Phê-rô và người môn đệ  thương mến. bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu?”. Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy, nhưng môn đệ kia mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó nhưng không vào. Ông Si-mon Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu, khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng: Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

Đó là Lời Chúa.

 

I. GỢI Ý & SUY NIỆM:

Gio-an viết Tin Mừng nhằm mục đích “Để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31). Riêng đoạn Tin Mừng hôm nay, Gio-an cho thấy Đức Giê-su thực sự đã từ cõi chết sống lại như Người đã báo trước.

 

A. GỢI Ý:

1. Để có thể là nhân chứng thì điều kiện tiên quyết phải là chứng nhân. Thái độ mạnh mẽ và can đảm công khai làm chứng cho tin mừng phục sinh nơi các tông đồ chỉ có thể xảy ra khi giả thiết rằng các ông đã tận mắt nhìn xem những việc Chúa Giêsu đã làm, hay trực tiếp nghe những lời Chúa Giêsu đã giảng, hơn thế đã “ăn uống với Người… sau khi từ cõi chết sống lại”. Thiếu kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục Sinh sẽ làm cho lời chứng kém sống động và khó thuyết phục; không có kinh nghiệm thực sự với Đấng Phục Sinh, lời rao giảng có nguy cơ trở nên sáo rỗng và chỉ nặng tính hình thức.

2. Dường như sẽ là không tưởng khi phải sống giữa lòng trần thế mà lại phải luôn hướng tâm hồn lên những thực tại trời cao. Điều đó chỉ có thể và hợp lý khi ý tưởng nền tảng “cùng chết với Đức Kitô để cùng được sống lại với Người” (Rm 6, 5) đã trở nên xác tín cá nhân cho mỗi kitô hữu. Nỗ lực củng cố và làm mới lại xác tín ấy mỗi ngày sẽ giúp người tín hữu dễ dàng siêu thoát với những bám víu trần thế để có thể thanh thoát hướng cuộc đời về cuộc sống mai hậu trong vinh quang với Đấng Phục Sinh nơi cung lòng Thiên Chúa.

3. Điều kiện để “tin”, theo kinh nghiệm của người môn đệ Chúa yêu, chính là chỉ sau khi đã “thấy”. Nếu chưa từng một lần “thấy” Đức Giêsu phục sinh, hay chưa một lần có kinh nghiệm về sự hiện diện của Người trong cuộc đời mình, lối sống đạo của người tín hữu sẽ mang nặng lề thói và hình thức. Như thế, những nỗ lực để thay đổi lối sống cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin mừng sẽ luôn là một thách đố vô cùng khó khăn để vượt qua.

 

B. SUY NIỆM:

Bằng lối văn súc tích và hàm chứa những tư tưởng sâu sắc, Tin Mừng Gio-an đã mô tả cuộc hành trình đức tin và đức mến của ba nhân vật quan trọng trong bài Tin Mừng Phục Sinh hôm nay như sau:

1. Lòng mến đã thôi thúc Ma-ri-a Mác-đa-la đi tìm Chúa:

Niềm vui Phục Sinh khởi đầu bằng việc bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi thăm mộ ngay từ sáng sớm tinh sương ngày Thứ Nhất trong tuần. Bà hốt hoảng khi thấy tảng đá che cửa mồ đã bị lăn sang một bên và xác Thầy trong mộ biến mất. Cũng như do lòng mến mà bà đã thêm can đảm để đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25), và ở lại chứng kiến việc 2 môn đệ an táng Thầy trước đó (Mt 27,61), thì sáng sớm hôm nay lại thôi thúc bà cùng mấy bà khác đem theo dầu thơm ra mộ để ướp thêm thuốc thơm cho xác Thầy theo phong tục Do thái (Mc 16,2). Khi thấy mộ trống không, Ma-ri-a hốt hoảng chạy về báo tin cho hai môn đệ Phê-rô và Gio-an (Ga 20,2). Theo bà thì ai đó đã đến lấy trộm xác Thầy và bà không biết họ đã để xác Thầy ở đâu (Ga 20,13.15). Ma-ri-a không hề nghĩ rằng Thầy đã phục sinh, mà bà chỉ mong sao tìm lại được xác Thầy để mang về chôn vào trong mộ mà thôi. Sau khi Phê-rô và Gio-an chạy ra mộ rồi trở về, thì một lần nữa, do lòng mến thôi thúc, Ma-ri-a quay lại mồ để tiếp tục than khóc. Trong lần ra mộ thứ hai này, bà đã trở thành người đầu tiên gặp được Chúa Phục Sinh hiện ra. Người trao cho bà sứ mệnh như sau: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ rằng: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).

 

2. Lòng mến đã giúp Gio-an nhận ra Chúa trước anh em:

Gio-an là một trong bốn môn đệ được Thầy kêu gọi đầu tiên (Mt 4,21). Là một trong ba môn đệ được chứng kiến Thầy biến hình (Mt 17,1) và cũng là người môn đệ được Thầy yêu mến nhất (Ga 13,23). Tình yêu đối với Thầy đã thôi thúc, làm cho ông trở thành người can đảm hơn các anh em như sau: Không bỏ chạy nhưng âm thầm theo dõi các sự kiện xảy ra từ lúc Thầy bị bắt đến khi bị xét xử giữa hai tòa án đạo và đời; Can đảm đứng dưới chân thập giá để chứng kiến giờ phút cuối cùng của Thầy và được Thầy trăn trối Đức Ma-ri-a làm Mẹ mình và đón Mẹ về nhà mình mà phụng dưỡng thay Thầy (Ga 19,27). Cũng do tình yêu thôi thúc mà Gio-an đã trở thành người môn đệ đầu tiên trong Nhóm Mười Hai nhận ra Chúa Phục Sinh tại biển hồ Ti-bê-ri-a (Ga 21,7). Cũng chính tình yêu ấy đã thúc bách Gio-an chạy nhanh hơn Phê-rô và đạt đến đức tin trước ông này (Ga 20,8). Sau cùng chính lòng mến đã khiến Gio-an viết Tin Mừng Thứ Tư, trong đó đề cao giới răn yêu thương. Tương truyền khi về già, mỗi lần rao giảng Tông đồ Gio-an đều giảng về đề tài yêu thương. Khi có người thắc mắc lý do thì Gio-an đã trả lời rằng: Chỉ việc tuân giữ giới răn yêu thương là đủ. Vì “yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10b).

 

3. Lòng mến làm Phê-rô được tha tội và được trao quyền:

Phê-rô là một trong bốn môn đệ đã theo Đức Giê-su trước hết (Mt 4,18-20). Ông đã tình nguyện bỏ hết mọi sự mà đi theo Thầy (Mt 19,27-29; Lc 18,28-30). Ông luôn được xếp đứng đầu danh sách Nhóm Mười Hai (Mt 10,2). Ông còn là một trong ba môn đệ được chiêm ngưỡng Thầy biến hình trên núi cao (Mt 17,1); Được chứng kiến phép lạ Người phục sinh bé gái mới chết (Lc 8,51); Được ở gần Đức Giê-su khi Người lo buồn trong vườn Ghết-sê-ma-ni (Mt 26,37). Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su có lần đã đến ở trọ nhà ông Si-mon Phê-rô tại thành Ca-phác-na-um (Mc 1,29). Phê-rô thường đại diện anh em tuyên xưng đức tin “Thầy chính là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Nhờ đức tin đó, Phê-rô đã được khen có phúc, và được Thầy hứa sẽ xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin vững chắc như đá của ông. Người cũng trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho ông (Mt 16,17-19). Ông còn được  trao sứ mệnh củng cố đức tin cho anh em sau khi trở lại (Lc 22,31-32).

Dù còn nhiều khuyết điểm như: bị Thầy nặng lời quở trách vì dám khuyên Thầy đừng chấp nhận đường thập giá (Mt 16,22-23); Hoặc có lúc bị Thầy trách là kém lòng tin (Mt 14,31) hoặc trách khi không muốn Thầy rửa chân (Ga 13,6-8);  trách khi quá tự tin vào sức mình (Mt 26,33-35). Nhất là đã hèn nhát chối Thầy ba lần, dù được Thầy cảnh báo trước đó (Mt 26,69-75). Nhưng bù lại ông cũng có lòng yêu mến Thầy hơn mọi người. Lòng mến của Phê-rô thể hiện qua việc dứt khoát bỏ nghề chài lưới bắt cá để theo Thầy làm nghề chài lưới bắt các linh hồn (Mt 4,18-20). Ông cũng thường được Đức Giê-su hỏi ý kiến như : Có nên nộp thuế Đền thờ không? (Mt 17,24-27). Số lần phải tha thứ cho anh em (Mt 18,21). Ông cũng đại diện anh em để tuyên xưng đức tin và thề quyết trung thành với Thầy đến cùng (Ga 6,68-69). Ông tỏ ra can đảm khi rút gươm chém tên đầy tớ của thượng tế để bảo vệ Thầy (Ga 18,10). Ông đi theo Gio-an để theo dõi diễn tiến cảnh Thượng Hội Đồng xét xử Thầy (Ga 18,15). Trong Tin Mừng hôm nay, khi nghe các phụ nữ báo tin xác Thầy bị mất, Phê-rô cùng Gio-an chạy ra mộ để kiểm chứng thực hư. Trước sự kiện mồ trống, các khăn vải liệm xác vẫn còn, Phê-rô đã tin Thầy đã thực sự sống lại chứ không bị lấy trộm xác (Ga 20,8-9). Sau đó ông còn được Chúa Phục Sinh hiện ra trước Nhóm Mười Một (Lc 24,34; 1Cr 15,5). Khi được Gio-an quả quyết người mặc áo trắng trên bờ hồ là Thầy, Phê-rô đã vội khoác áo vào nhảy xuống biển bơi nhanh vào bờ để gặp Thầy (Ga 21,7). Ông cũng ba lần tuyên xưng yêu mến Thầy và đã được Thầy trao sứ mệnh chăn dắt chiên con chiên mẹ và đàn chiên là Hội Thánh (Ga 21,15-17). Lúc cuối đời ông còn chứng tỏ lòng mến đích thật khi sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho thầy (Ga 21,18-19).

 

4. Giá trị của đức tin và lòng mến:

Chính lòng mến Chúa đã làm cho Ma-ri-a Mác-đa-la ăn năn sám hối tội lỗi, đi ra thăm mộ trước tiên và đã được Chúa Phục Sinh hiện ra trao cho sứ mệnh loan báo Tin mừng Phục Sinh cho các môn đệ. Cũng chính lòng mến đã làm cho Gio-an nhận ra Thầy trước các anh em và thấy được ý nghĩa các sự kiện của mầu nhiệm Phục Sinh. Lòng mến cũng làm cho ông Phê-rô luôn gắn bó với Thầy, hy sinh mọi sự để theo làm môn đệ của Thầy. Dù có lúc yếu đuối sa ngã phạm tội, nhưng ông đã mau sám hối và được Thầy tín nhiệm trao sứ mệnh trở thành Đá Tảng đức tin, củng cố đức tin cho anh em (Lc 22,32), và sứ mệnh chăn dắt đàn chiên Hội Thánh.

Đối với các tín hữu chúng ta, lòng mến rất cần để chúng ta khỏi bị thất vọng hay hốt hoảng khi gặp đau khổ thất bại giữa đời thường. Cuộc sống của chúng ta nhiều lúc giống như một ngôi mộ trống rỗng: khi những gì chúng ta yêu quý nhất hoặc những người thân yêu nhất không còn. Bấy giờ chúng ta thường chạy đôn chạy đáo đi tìm người chết trong nước mắt như Ma-ria Mác-đa-la xưa (Ga 20,11.13). Nhưng cái chết đã không giam hãm được sự sống: Sự sống đã trỗi dậy từ cõi chết; Ánh sáng đã bừng lên từ bóng tối tử thần; Tình yêu đã chiến thắng hận thù và Tin Mừng sẽ được loan báo đi khắp thế gian.

 

II. CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, sự phục sinh của Chúa vừa mời gọi, lại vừa lôi cuốn chúng con hướng tâm hồn lên để nhận ra giá trị tương đối của sắc đẹp, tiền bạc, danh vọng, chức quyền trần gian… hầu noi gương các thánh: sẵn sàng hy sinh tất cả vì yêu Chúa và dám sống chết cho tình yêu, để dấn thân đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, sẵn sàng đón nhận những đau khổ thua thiệt... vì xác tín rằng: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Amen.

 

GOSPEL (Jn 20:1-9):

On the first day of the week,
Mary of Magdala came to the tomb early in the morning,
while it was still dark,
and saw the stone removed from the tomb.
So she ran and went to Simon Peter
and to the other disciple whom Jesus loved, and told them,
“They have taken the Lord from the tomb,
and we don’t know where they put him.”
So Peter and the other disciple went out and came to the tomb.
They both ran, but the other disciple ran faster than Peter
and arrived at the tomb first;
he bent down and saw the burial cloths there, but did not go in.
When Simon Peter arrived after him,
he went into the tomb and saw the burial cloths there,
and the cloth that had covered his head,
not with the burial cloths but rolled up in a separate place.
Then the other disciple also went in,
the one who had arrived at the tomb first,
and he saw and believed.
For they did not yet understand the Scripture
that he had to rise from the dead.

The Gospel of the Lord

 

Ban Mục Vụ Phụng Tự

Lm. Đan Vinh

 

CÂU CHUYỆN HÀNG TUẦN

Chia Sẻ Cảm Nghiệm -

BÓNG TỐI CỦA THINH LẶNG…

Trước đây tôi không thích cầm bút viết về tình yêu thương, vì tôi cảm thấy nó nhàm chán và khiên cưỡng. Người ta có rất nhiều ngôn từ nói về yêu thương nhưng thú thật, đó chỉ là những ngôn từ sáo rỗng, không có thật. Nhưng ngày nay, tôi lại thích viết về yêu thương không phải vì nó quyến rũ, cũng không phải vì tôi đã yêu thương nhưng đơn giản là tôi đã nhận ra yêu thương thực sự rất quan trọng.

Đến bây giờ tôi mới hiểu vì sao Thiên Chúa muốn chúng ta sống yêu thương. Đến bây giờ tôi mới hiểu vì sao tình yêu thương quan trọng nhất. Không có tình yêu thương, thế gian này chả khác gì địa ngục. Con người, ai ai cũng cần yêu thương, nhưng người can đảm sống yêu thương thì rất khó. Phần lớn là do ích kỉ, phần còn lại là do bản tính.

Chỉ vì ích kỉ, chỉ vì tham vọng mà con người gạt bỏ tình yêu thương ra khỏi cuộc sống.

Bởi yêu thương không gì khác hơn là sự hy sinh, hy sinh đến tận cùng, tha thứ đến tận cùng. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về tình yêu thương, Ngài đã hy sinh đến chết để sống tha thứ và yêu thương.

Một khi chúng ta còn ích kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân mình thì chưa bao giờ chúng ta hiểu được yêu thương là gì nói chi đến sống yêu thương. Một khi chúng ta chưa hy sinh thì bấy khi chúng ta chưa thể hiểu thế nào là yêu thương, nói gì đến việc thực thi bác ái.

Yêu thương là một ân ban của Thiên Chúa. Chả phải tự nhiên người ta có thể yêu thương. Có người sinh ra đã định sẵn một trái tim nhân hậu, có người thì phải tập luyện. Nhưng không ai là không cần yêu thương. Nhưng không phải ai ai cũng biết sống yêu thương. Như vậy, yêu thương hoàn toàn đến từ ý thức chọn lựa tự do của họ.

Nếu bạn chọn sống yêu thương, bạn là người có trái tim vĩ đại của Thiên Chúa và tôi biết bạn đã phải hy sinh đến tận cùng. Nhưng bù lại, bạn lại trở nên cao thượng và vĩ đại. Khi bạn chọn sống yêu thương là khi bạn hạ mình xuống đến tận cùng của sự khiêm nhường. Chỉ có người khiêm nhường mới có khả năng sống yêu thương mà thôi. Người mà lúc nào cũng tự hào về nhan sắc, tài năng, của cải và địa vị, chức tước… người đó chưa bao giờ biết yêu thương cả. Người yêu thương là người luôn ở trong bóng tối của sự hy sinh, âm thầm, bé nhỏ, nhưng luôn tỏa sáng một ánh sáng bất diệt của sự thiện và của tình yêu. Ánh sáng đó đôi khi không được hô hào, không được phô trương nhưng lại có sức mạnh phi thường sưởi ấm những trái tim lạnh giá, cô đơn và đau khổ. Họ ở trong bóng tối nhưng không phải bóng tối của sự chết nhưng là bóng tối của khiêm nhường để sưởi ấm những ai đau khổ, cô đơn, đói nghèo và bệnh tật. Họ không bước ra từ những hào quang của sân khấu nhưng bước ra từ hào quang của sự thiện. Đó là một thứ hào quang bất diệt.

Có lẽ cuộc sống đã vùi dập tơi tả, nên bây giờ tôi mới hiểu tình yêu thương là gì. Cả cuộc đời tôi chỉ đi tìm tình yêu thương. Tôi tìm Chúa và tìm tha nhân. Có khi tôi tìm thấy Ngài nhưng đôi khi tôi cũng chả thấy Ngài. Tôi quay sang tìm tha nhân. Tôi bấu víu vào họ, tin tưởng họ rồi cũng đến lúc tôi nhận ra con người hiếm khi có tình yêu thương mà tôi mong muốn. Tôi quay về với Thiên Chúa của tôi, để cảm nhận tình yêu thương đích thực của Ngài. Và tôi đã khám phá trong chân lý, chỉ có Thiên Chúa, Ngài mới là người có tình yêu thương đích thực. Ngài yêu tôi, vì bản thân tôi chứ không phải vì Ngài. Con người yêu tôi, không phải vì bản thân tôi, mà vì chính bản thân họ. Thế nên, họ có thể phản bội tôi, bỏ rơi tôi, tổn thương tôi bất cứ khi nào họ muốn. Còn Thiên Chúa, Ngài chưa bao giờ phản bội tôi, bỏ rơi tôi, thất hứa với tôi và tổn thương tôi…

Tôi luôn luôn nhận thấy mình yêu Ngài quá muộn. Tôi đã bỏ qua quá nhiều thời gian để chưa tin vào Ngài, chưa yêu mến Ngài. Tôi đã mất quá nhiều thời gian để tin vào con người, đợi chờ con người, kỳ vọng vào con người. Giờ đây mắt tôi đã sáng hơn khi tim tôi đã rỉ máu. Tôi không còn yêu con người vì chính tôi hay vì chính họ nữa, mà tôi yêu họ vì Thiên Chúa. Có như vậy tôi mới có thể đón nhận họ, chấp nhận họ và tha thứ cho họ.

Lạy Chúa hôm nay Ngài dạy con về tình yêu thương: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Bài học này luôn luôn mới và không hề nhàm chán vì cuộc sống cần phải yêu thương không ngừng nghỉ. Con không thể nào yêu thương nếu như con không có Chúa. Ngài chính là sức mạnh để con có khả năng yêu thương. Xin hãy nắm tay dắt con vào bóng tối của thinh lặng, của hy sinh… để con có thể cùng Ngài bước ra từ ánh sáng của tình yêu thương…

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang

  

Chia Sẻ Cảm Nghiệm -

CHIÊN CỦA TÔI

Bộ phim Le Bébe Est Une Personne tường thuật lại cuộc thí nghiệm giữa mẹ và con là cậu bé Nicola 5 tháng tuổi như sau: người ta chọn 3 người phụ nữ có giọng nói giống như mẹ của cháu bé để cho cháu nhận ra tiết âm của mẹ bé. Cả 3 người phụ nữ này đều ngồi xa và họ lần lượt gọi tên bé nhiều lần: Nicola! Nicola!…nhưng bé không phản ứng gì! Đến lượt mẹ của cậu bé gọi: Nicola!… Cậu bé liền cựa quậy, nheo mắt, khóc, đòi mẹ... Cuộc thí nghiệm được lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng đều có chung một kết quả. Chắc không phải ngẫu nhiên mà đứa bé nhận ra tiếng của mẹ nó, nhưng vì giọng nói, hơi thở, tâm tình của người mẹ đối với bé Nicola rất riêng biệt nên bé nhận ra ngay.

Hiểu biết về người khác là cả một tiến trình tiếp xúc gần gũi được lặp đi lặp lại nhiều lần với tình yêu mến. Sở dĩ cậu bé Nicola nhận ra tiếng mẹ là do bé đã thường xuyên nghe tiếng mẹ mình, vì mẹ bé vẫn thường gọi tên bé và tỏ tình với bé ngay khi còn là một bào thai trong dạ mẹ. Trước khi nhận ra nhau ở bên ngoài thì đã có sự gặp gỡ nhau ở bên trong. Vì thế, em bé nhận ra tiếng mẹ mình không chỉ bằng đôi tai mà còn phân biệt một cách rõ ràng bằng sự cảm nhận của con tim. Nghe và biết ở đây đều là ngôn ngữ và nhận thức của tình yêu hơn là những dấu hiệu hay ký hiệu thông thường. Sự kỳ diệu của tình yêu là như thế. Con tim tự nó phân biệt và phân định một cách đơn giản chứ không cầu kỳ hay phức tạp như suy luận của lý trí, hoặc khi khi phải vận dụng những khả năng khác. Chúng ta nhớ lại biến cố Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với Maria Mácđala, Chúa chỉ cần gọi một tiếng nhẹ nhàng và ngắn ngủi: “Maria.” Bà nhận ra ngay và kêu lên: “Lạy Thầy!”.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cũng xác định: “Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Lời Chúa giúp ta nhìn lại tương quan của mình đối với Chúa có sâu đậm không? Mình có dễ nhận ra tiếng Chúa trong lòng mình và trong mọi biến cố không? Có phân biệt được tiếng Chúa với tiếng réo gọi của bản năng và những ham muốn khác không? Tương quan của ta với Chúa có thực sự sâu sắc đến độ cho dù trong hoàn cảnh nào mình cũng nhận ra tiếng Ngài không? Nghe biết được tiếng Chúa là một chuyện, nhưng ta có can đảm để sống theo ý Chúa không? Đây chính là điều quan trọng hàng đầu trong sự tu tập hằng ngày để ta khơi sâu hơn tình yêu của mình đối với Chúa, tình yêu mà Chúa Giêsu đã từng cầu nguyện cho ta nên một với Ngài “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”.

Cuộc sống Kitô hữu của chúng ta chỉ dồi dào và phong phú khi nhận ra tiếng Chúa trong mọi thời điểm, đặc biệt trong cầu nguyện. Nhưng điều quan trọng là sống sâu sát với Chúa từ bên trong thì mới mong gặp Chúa ở bên ngoài. Chúa chẳng bao giờ hiện ra nói rõ một điều gì, để không gây áp lực và làm ta mất tự do. Chỉ những ai khao khát nghe tiếng Chúa, thì mới dần dần cảm nhận một cách tinh tế lời mời gọi yêu thương của Ngài. Chính vì nhận ra tiếng Chúa gọi mà Giáo Hội Việt Nam tính đến nay có hơn 6.000 linh mục và hơn 31.000 tu sĩ nam nữ,

Trong Chúa Nhật đặc biệt cầu cho ơn thiên triệu, chúng ta nài xin Chúa cho giới trẻ có nhiều tâm hồn quảng đại dám dâng hiến đời mình cho Chúa. Cuộc sống hôm nay có nhiều lôi kéo khiến giới trẻ dần dần mất khả năng phân định, mất hướng sống, chỉ lo sao thành đạt về công danh, thành công về vật chất, chứ không để thành nhân và nhất là thành con hiếu thảo của Thiên Chúa. Ngay như những người đời cũng “không chịu sống đời nhỏ nhoi”. Thế nhưng lại có nhiều bạn trẻ Kitô hữu lại chỉ muốn sống thường tình như người khác, muốn được như người khác, không muốn là chính mình, không hề thao thức để tìm khám phá ra vai trò và ơn gọi của mình trong cuộc sống hôm nay.

Nói cách khác, họ không hề đặt ra mục đích sống hay lý tưởng sống, cũng chẳng cần biết Chúa muốn gì cho cuộc đời mình. Tuy nhiên, Chúa có thể làm sáng lên mọi sự, nếu mỗi người biết đặt mình trước mặt Chúa, biết để cho Ngài đi vào cuộc đời mình. Chúa có thể đổi mới bản thân mỗi người chúng ta trong mọi tình trạng, như đã từng làm cho các tội nhân trở thành những thánh nhân. Chỉ cần chúng ta còn chút lòng yêu mến muốn lắng nghe tiếng Chúa, là Ngài có thể biến đổi chúng ta thành những tông đồ nhiệt thành để sống sứ mạng cao cả của đời mình. 

 

Lm. Thái Nguyên

 

Chia Sẻ Cảm Nghiệm -

CON CÓ YÊU MẾN THẦY KHÔNG? 

Tin mừng hôm nay thật sự có rất nhiều cảm xúc nhưng hơn hết vẫn là xúc cảm của tình yêu thương Chúa Giêsu dành cho các môn đệ Ngài thương mến. Sau biến cố kinh hoàng của cuộc tử nạn và phục sinh, các ông vẫn còn chưa hết bàng hoàng về sự ra đi của Thầy mình, thì Ngài đã đôi lần hiện ra với các ông để củng cố niềm tin cho các ông vào sự phục sinh và quyền năng của Ngài.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta rất nhiều bài học, bài học đầu tiên là bài học vâng phục và phó thác. Cứ tin tưởng và phó thác cho quyền năng, sức mạnh, sự quan phòng và lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài có thể làm cho chúng ta tất cả, cả những điều mà chúng ta không thể nào ngờ tới: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” (Ga 21, 6) Lúc này các ông chưa nhận ra Chúa, nhưng các ông đã nghe theo lời của Ngài. Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta phải biết lắng nghe người khác. Đó là sự khôn ngoan. Lắng nghe là một nghệ thuật. Việc người khác nói với ta có thể là một kinh nghiệm, có thể là một kiến thức, chúng ta cần phải biết lắng nghe nhau và trải nghiệm, để biến kinh nghiệm đó trở thành kinh nghiệm của chúng ta, những bài học không phải mua bằng tiền nhưng mua bằng sự lắng nghe. Chúng ta lại càng phải lắng nghe Thiên Chúa nói với chúng ta, Ngài nói với ta mỗi ngày qua mọi biến cố của cuộc sống. Người biết nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, người biết lắng nghe tiếng Thiên Chúa nói với mình mỗi ngày, đó là người diễm phúc nhất.

“Người môn đệ được Chúa thương mến nói với ông Phêrô: Chúa đó!” (Ga 21, 7) Mỗi người chúng ta, ai ai cũng được sống dưới bàn tay quan phòng, chăm sóc và thương yêu của Thiên Chúa. Mỗi người đều được, kẻ ít người nhiều, đó là tự do Thiên Chúa ban cho ai tùy ý của Ngài. Thế nhưng, hơn nhau không phải cái nhiều cái ít nhưng chính là việc chúng ta có nhận ra tình thương và ân huệ Thiên Chúa ban cho mình mà đáp trả hay không mà thôi. Nhận nhiều thì đáp trả nhiều, nhận ít thì đáp trả ít, nhận bao nhiêu đáp trả bấy nhiêu và nhiều hơn thì càng tốt, không phải tốt cho Thiên Chúa mà là tốt cho chính ta. Thiên Chúa, Đấng là Chủ của thế giới, Ngài không cần bất kỳ điều gì từ chúng ta cả. Điều Ngài cần chính là niềm tin và lòng mến. Niềm tin ta đặt vào Ngài và lòng mến ta thể hiện niềm tin ấy. Thế nên, không cần phải ganh đua ghen tỵ với ai khác, mà thay vào đó hãy lo quảng đại đáp trả ân huệ nhưng không Thiên Chúa ban cho mình.

Nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời chính là một ân huệ không phải ai ai cũng có thể làm được. Thiên Chúa luôn luôn ban ân huệ cho tất cả chúng ta, cho từng người một, không ai là kẻ không được Thiên Chúa yêu thương, nhưng nhận ra tình thương ấy và đáp trả còn phúc hơn rất nhiều. Thế nên, đừng bao giờ tự ti với những gì mình có, nhưng hãy chấp nhận và đón nhận nó để mà trổ sinh những bông hạt tốt đẹp hơn.

“Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên bàn, và có cả bánh nữa.” (Ga 21, 9) Có ai yêu thương và chăm sóc cho mình bằng Thiên Chúa hay không? Nếu như bạn chưa bao giờ nhận ra tình yêu thương chăm sóc và quan phòng của Ngài trong cuộc đời bạn thì có lẽ bạn là kẻ bất hạnh nhất. Thiên Chúa luôn luôn ân ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta đang có. Ngài cho ta sự sống, cho ta sức khỏe, cho ta tài năng, cho ta kiến thức, cho ta lòng mến, cho ta niềm tin, việc duy nhất của chúng ta là nhận ra, tạ ơn và đáp trả mà thôi. Tất cả những gì Ngài làm cho chúng ta chỉ có một mục đích duy nhất là để chúng ta yêu mến Ngài, tin tưởng vào Ngài, phó thác cho Ngài và bước đi theo Ngài. Mục đích duy nhất của tình yêu chỉ là chúng ta được yêu và sống tình yêu.

Hôm nay Ngài đã hỏi Phêrô đến những ba lần: “Con có yêu mến Thầy không? (x. Ga 21, 15-17) Khi yêu ai, người ta cứ muốn hỏi mãi một câu: “Có yêu không?” Không phải kẻ hỏi chưa xác định được câu trả lời nhưng chính vì đã biết chắc chắn tình yêu của kẻ được hỏi dành cho mình nên người ta muốn hỏi mãi. Hỏi mãi không phải để chờ đợi câu trả lời, hay xác định lại câu trả lời nhưng chính là để xác định lại tình yêu của người hỏi dành cho kẻ được hỏi. Chúa Giêsu không chờ đợi câu trả lời của Phêrô vì Ngài thừa biết tình yêu ông dành cho Ngài thế nào, nhưng là Ngài muốn xác định cho Phê rô biết tình yêu thương Thiên Chúa dành cho ông. Không phải hỏi để được Phêrô yêu nhưng chính là hỏi để Phêrô biết Thiên Chúa đã yêu thương và chọn ông như thế nào: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy, hãy đi theo Thầy.” (x. Ga 21, 15-19)

Nếu hôm nay Ngài lại hỏi tôi: “Con có yêu mến Thầy không?”, thì tôi sẽ đáp trả thế nào? Lạy Chúa, con có yêu mến Ngài không? Ngài biết rõ, Ngài biết chắc chắn con yêu mến Ngài, nhưng tình yêu đó còn bé nhỏ, còn mỏng manh, còn thay đổi. Không đúng, yêu Ngài thì có, chắc chắn có, 100% là có, nhưng sống tình yêu ấy thì con chưa có thể. Đơn giản con chỉ là kẻ phàm nhân yêu đuối và tội lỗi, con không thể là thánh nhân để luôn làm Thiên Chúa hạnh phúc. Con xin lỗi vì tình yêu con chỉ được có vậy. Con xin lỗi vì tình yêu dành cho Ngài chỉ được có thế. Con sẽ cố gắng hơn mỗi ngày để yêu Chúa, để đáp trả tình Chúa yêu con và để trả lời câu hỏi: “Con có yêu mến Thầy không?”

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang

 

Chia Sẻ Cảm Nghiệm -

TRÂN QUÝ LAO ĐỘNG 

Hôm nay chúng ta long trọng mừng lễ Thánh Giuse Thợ, vị thánh bổn mạng của những người lao động, những người cha, và các gia đình. Qua các bài đọc Lời Chúa, đặc biệt bài trích sách Sáng Thế và Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, chúng ta được mời gọi suy ngẫm về giá trị của lao động, phẩm giá con người, và gương sáng của Thánh Giuse trong chương trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.

Trong sách Sáng Thế, chúng ta nghe lời Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta.” Con người được dựng nên với phẩm giá cao quý, mang hình ảnh của Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương và khôn ngoan. Phẩm giá này không chỉ nằm ở khả năng tư duy hay cảm xúc, mà còn ở sứ mạng mà Thiên Chúa trao phó: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.” “Thống trị mặt đất” không có nghĩa là bóc lột hay hủy hoại tạo vật, nhưng là cộng tác với Thiên Chúa trong việc chăm sóc, bảo vệ, và phát triển công trình sáng tạo. Lao động, vì thế, trở thành một phần thiết yếu trong ơn gọi của con người. Qua lao động, chúng ta không chỉ nuôi sống bản thân và gia đình, mà còn góp phần xây dựng thế giới theo thánh ý Thiên Chúa.

Sách Sáng Thế kể rằng sau khi hoàn tất công trình sáng tạo, Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp. Thiên Chúa là Đấng Lao Động đầu tiên, và lao động của Ngài mang lại vẻ đẹp, trật tự, và sự sống. Khi con người lao động, chúng ta tham dự vào công trình sáng tạo ấy. Mỗi công việc, dù là làm nông, thợ mộc, hay chăm sóc gia đình, đều có giá trị thánh thiêng khi được thực hiện với tình yêu và trách nhiệm. Hơn nữa, Thiên Chúa đã nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy và thánh hóa ngày ấy. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng lao động cần đi đôi với nghỉ ngơi và cầu nguyện, để chúng ta tái khám phá ý nghĩa của công việc và hướng lòng về Thiên Chúa – nguồn mạch mọi ơn lành.

Chuyển sang Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, chúng ta thấy dân chúng tại quê hương Chúa Giê-su ngạc nhiên về sự khôn ngoan và phép lạ của Ngài, nhưng họ lại đặt câu hỏi: “Ông không phải là con bác thợ sao?” “Bác thợ” ở đây chính là Thánh Giuse, một người thợ mộc bình dị tại làng Na-da-rét. Dù là một người lao động chân tay, Thánh Giuse đã sống một đời sống thánh thiện, âm thầm chu toàn trách nhiệm nuôi dưỡng và bảo vệ Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a. Thánh Giuse không nổi bật bởi danh vọng hay quyền lực, nhưng ngài nổi bật bởi lòng tin, sự cần mẫn, và tình yêu dành cho gia đình. Công việc thợ mộc của ngài, dù đơn sơ, đã trở thành phương tiện để ngài cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ. Qua bàn tay lao động của Thánh Giuse, Chúa Giê-su được nuôi dưỡng, và ngôi nhà Na-da-rét trở thành mái ấm của tình yêu và đức tin.

Thánh Giuse dạy chúng ta rằng lao động không chỉ là công việc để kiếm sống, mà còn là cách chúng ta sống mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Dù làm việc trong xưởng mộc hay chăm sóc gia đình, Thánh Giuse luôn hướng lòng về Thiên Chúa. Ngài làm việc với sự chính trực, kiên nhẫn, và khiêm nhường, biến mỗi nhát đục, mỗi mảnh gỗ thành lời kinh dâng lên Thiên Chúa. Noi gương Thánh Giuse, chúng ta được mời gọi sống “linh đạo lao động” – nghĩa là làm việc với tinh thần cầu nguyện, coi công việc như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Dù công việc của chúng ta có tầm thường đến đâu, khi được thực hiện với tình yêu, nó sẽ mang lại hoa trái thiêng liêng và góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa.

Trong xã hội hôm nay, lao động đối diện với nhiều thách đố. Nhiều người phải làm việc trong điều kiện khó khăn, lương bổng không đủ sống, hoặc bị bóc lột. Công nghệ hiện đại, dù mang lại nhiều tiện ích, cũng khiến một số người mất việc làm hoặc bị cuốn vào vòng xoáy làm việc không ngừng nghỉ, quên đi giá trị của nghỉ ngơi và đời sống gia đình. Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giê-su bị chính quê hương mình từ chối vì thành kiến: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình.” Điều này nhắc nhở chúng ta rằng đôi khi, giá trị của lao động và phẩm giá con người bị xem nhẹ bởi những định kiến xã hội. Người lao động, đặc biệt là những người làm việc chân tay, thường không được tôn trọng đúng mức.

Trước những thách đố này, người Kitô hữu được mời gọi sống ơn gọi lao động theo tinh thần Thánh Giuse. Chúng ta cần làm việc với lương tâm ngay chính, dù ở bất kỳ vị trí nào, hãy làm việc với sự trung thực và trách nhiệm, coi công việc như một cách phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta cũng cần bảo vệ phẩm giá lao động, tôn trọng và nâng đỡ những người lao động xung quanh, đặc biệt là những người nghèo khổ và bị thiệt thòi. Đồng thời, chúng ta phải biết cân bằng giữa lao động và đời sống thiêng liêng, dành thời gian nghỉ ngơi, cầu nguyện, và chăm sóc gia đình, để đời sống chúng ta được hài hòa và phong phú.

Lễ Thánh Giuse Thợ là dịp để chúng ta tôn vinh giá trị của lao động và noi gương Thánh Giuse – người thợ khiêm tốn, người cha tận tụy, và người môn đệ trung thành. Qua lao động, chúng ta không chỉ xây dựng cuộc sống mà còn tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Hãy xin Thánh Giuse cầu bầu để chúng ta biết biến mỗi ngày làm việc thành một bài ca chúc tụng Thiên Chúa.

Lạy Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và là Cha nhân lành, chúng con tạ ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con theo hình ảnh Chúa và ban cho chúng con ơn gọi lao động. Xin ban ơn để chúng con, noi gương Thánh Giuse Thợ, biết làm việc với tình yêu, khiêm nhường, và trách nhiệm, để góp phần xây dựng thế giới này theo thánh ý Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng con. Amen.

 

Lm. Anmai, CSsR

 

Chia Sẻ Cảm Nghiệm -

THIÊN CHÚA CỦA KẺ TIN 

Nếu nói về câu chuyện sau phép lạ phục sinh của Chúa Giêsu, thì câu chuyện về thánh tông đồ Tôma là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất. Như các tông đồ anh em bạn, ông hết sức bàng hoàng trước cái chết của Thầy mình và ông cũng không ngừng hoang mang trước thông tin Thầy đã sống lại, phục sinh từ cõi chết. Có thể nói, ông không thể tin một chuyện xem chừng quá đỗi khó tin như vậy. Theo Thầy rong ruổi hết 3 năm rao giảng, chứng kiến bao nhiêu phép lạ Thầy đã làm nhưng ông cũng không thể nào tin được. Có lẽ vì quá ngỡ ngàng trước cái chết đau thương của Thầy nên ông không thể tin. Đơn giản chỉ vì Thầy đã chịu chết cơ mà, mới hôm qua đây như một cơn ác mộng. Cái chết hãy còn mới quá, khiến ông không thể nào tin. Cuộc khổ nạn tang thương quá, khiến ông không đủ niềm tin để nghĩ khác hơn được.

Câu nói nổi tiếng của ông cũng chính là câu nói của mỗi người chúng ta. Có rất nhiều khi trong cuộc sống, khi trải qua quá nhiều biến cố cuộc đời, chúng ta sẽ chân nhận được sự hiện diện thực thụ của Thiên Chúa trong cuộc đời. Đó không phải là sự cảm nghiệm mơ hồ, hoang tưởng nhưng chính là sự cảm nghiệm ngôi vị. Sự tương quan đích thực giữa ta và Ngài: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con.” (Ga 20, 28)

Lời tuyên xưng đầu tiên là tuyên xưng vào quyền năng của Thiên Chúa và niềm tin của ông đặt vào Ngài. Lời tuyên xưng thứ hai là niềm xác tín mạnh mẽ vào quyền năng, sức mạnh và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho cuộc đời ông. Thiên Chúa của chính bản thân ông đã sống lại, chứ không phải Thiên Chúa phục sinh mà anh em tông đồ thuật lại. Đây chính là sự cảm nghiệm ngôi vị, sự tương quan ngôi vị đích thực giữa Thiên Chúa và con người.

Nếu như cuộc đời chúng ta chưa bao giờ cảm nghiệm được sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa trong cuộc đời thì đức tin của chúng ta chỉ là niềm tin bằng lý thuyết. Niềm tin lý thuyết là niềm tin mơ hồ, mỏng manh và dễ vỡ. Sự cảm nghiệm ngôi vị mới là biểu hiện của một niềm tin đích thực, chắc chắn vào Thiên Chúa.

Không phải tự nhiên mà người ta có được sự tương quan ngôi vị với Thiên Chúa nếu như người ấy không trải qua cảm nghiệm sống Lời Ngài. Nếu như mỗi ngày chúng ta biết sống Lời của Thiên Chúa thì chắc chắc Ngài đã ở trong chúng ta, là Thiên Chúa của chúng ta.

Khi mỗi người trong chúng ta nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời mình là khi chúng ta là người hạnh phúc nhất. Hạnh phúc không phải được ăn ngon, mặc đẹp, quyền cao, chức trọng nhưng kẻ hạnh phúc là kẻ có Chúa, là người có được Chúa trong cuộc đời. Thánh Tôma hôm nay là người hạnh phúc nhất không phải vì được xỏ tay vào lỗ đinh nhưng là vì được cảm nghiệm sự hiện diện đích thật của Thiên Chúa. Lời tuyên xưng thứ nhất, Thiên Chúa là một Thiên Chúa làm người, nhưng lời tuyên xưng thứ hai thì Thiên Chúa làm người của ông đích thực là Thiên Chúa thật. Thầy Giêsu mà ông làm môn đệ bấy lâu nay, đích thực là Thiên Chúa, đã chết và đã sống lại. Ông đã trải nghiệm và đã tin.

Thế nhưng, Chúa Giêsu lại nhắn nhủ với chúng ta, chúng ta sẽ được như vậy nếu như chúng ta không trực tiếp sờ chạm vào Ngài mà chúng ta vẫn tin. Đó chính là lời hứa Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta: “Phúc cho những ai không thấy mà tin.” (Ga 20, 29)

Lạy Chúa con là kẻ tội lỗi kém tin nhưng trải nghiệm sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời là có thật. Có những lúc con cũng như thánh Tông đồ hôm nay thốt lên những lời tuyên tín tự tận đáy lòng. Quả thật Ngài chính là Chúa, là Thiên Chúa thật của con. Ngài hằng sống và tồn tại mãi mãi. Thế nhưng, nhiều khi con thật yếu đuối và tội lỗi, niềm tin của con còn mong manh hơn cả hơi thở. Không phải Thiên Chúa không đủ cho con tin cho bằng con không đủ niềm tin vào Ngài. Xin giúp con, nếu có phải tin, thì chỉ chọn tin một mình Thiên Chúa. Vì Ngài chính là Thiên Chúa của kẻ tin!

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang

 

 

Chia Sẻ Cảm Nghiệm -

XIN YÊU MỘT LẦN NỮA... 

Có rất nhiều điều kì diệu trong cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Thế nhưng không có điều kì diệu nào lớn lao cho bằng việc Ngài đã chết và sống lại. Ngài đã toàn thắng sự chết bằng tình yêu thương và sự tha thứ. Chính tình yêu mới làm cho nấm mồ nở hoa. Tội lỗi khiến cho con người phải chết nhưng tình yêu cứu độ lại khiến cho con người sống. Và thật vậy, hôm nay Ngài đã sống lại để minh chứng cho quyền năng và sức mạnh của Ngài cũng như minh chứng sự thật về Ngài mà con người đã cố tình chối bỏ.

Cuộc sống chỉ nở hoa trên tình yêu thương. Nơi nào không có tình yêu nơi đó không có sự sống. Và sự thiện thì luôn luôn toàn thắng. Trong cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu xem chừng là người thất bại nhất vì Ngài đã chịu kết án và xét xử như một tội nhân trong khi Ngài là Đấng vô tội. Vậy mà hôm nay Ngài đã toàn thắng sự dữ, bóng tối và tử thần.

Tại sao Ngài lại chọn thành công trong thất bại. Tại sao Ngài lại chọn đi trên con đường khổ giá. Đó là một mầu nhiệm, mầu nhiệm ơn cứu độ mà không phải ai ai cũng có thể hiểu được. Nhưng có một điều chắc chắn rằng Ngài là Thiên Chúa thật, một Vị Thiên Chúa hằng sống chứ không phải đã chết. Thiên Chúa sống để dạy chúng ta bài học làm người. Ngài đã chia sẻ với chúng ta tận cùng của kiếp người để nêu gương cho chúng ta biết bắt chước học đòi. Chúng ta không hề cô đơn, không hề lẻ loi nhưng đã có Thiên Chúa đồng cảm và đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường và tận cùng đến tận cái chết. Thế nhưng, chết không phải là thua cuộc, là chấm hết, là chấm dứt. Nhưng chết là để sống lại và sống mãi, sống toàn thắng, sống hạnh phúc, sống bất diệt.

Nếu như Chúa Giêsu đã phải trải qua biết bao đau đớn để gánh chịu mọi tội lỗi thay cho chúng ta mà chúng ta không chút cảm nghiệm tình yêu thương ấy thì chúng ta quả thật là kẻ đáng thương. Bao nhiêu sự đau đớn, sự hy sinh Ngài trải qua trên con đường thập giá mà không mang lại một chút cảm xúc nào với chúng ta thì thật là tội nghiệp.

Các môn đệ, những người thân tín theo Chúa Giêsu làm môn đệ, cùng ăn, cùng uống, cùng đồng cam cộng khổ với Ngài thế mà trong cuộc khổ nạn này, các ngài đã đi đâu, các ngài là ai, có phải là môn đệ đã từng bầu bạn với Ngài nữa hay không.

Người phụ nữ thân tín đã ra thăm mộ Ngài từ sáng sớm và nhận thấy sự thay đổi nơi ngôi mộ Chúa. Bà đã chạy về báo tin cho các môn đệ. Các ông chạy ra, đã nhìn thấy và đã tin: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8). Đó là ân huệ nhưng không Thiên Chúa ban cho mỗi người. Có người chỉ cần nhìn vào dấu chỉ là nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Có người chỉ cần nhìn vào dấu chỉ là có thể nhận ra thông điệp của Chúa muốn gửi gắm đến mình nhưng có người nói mãi cũng chả hiểu, bảo mãi cũng chả tin... lấy gì mà sống.

Còn tôi thì sao, đã bao mùa phục sinh trôi qua. Đã không biết bao nhiêu lần chứng kiến tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa, tôi có tin không? Tôi có tin vào tình yêu thương và ơn cứu độ của Ngài hay không? Tôi có tin Ngài đã chết và sống lại vì yêu thương tôi hay không?

Lạy Chúa, đức tin tiên vàn là ân huệ nhưng không Thiên Chúa ban cùng với sự đáp trả tự do của con người. Con tin Ngài đã chết, đã sống vì yêu con. Con tin tình yêu ấy và xúc động, cảm kích. Thế nhưng, con chỉ là kẻ tội lỗi yếu đuối không hơn không kém, con chỉ có khả năng phạm tội mà không có khả năng chừa tội. Cả cuộc đời con chỉ có thể ăn mày ơn cứu độ của Ngài mà thôi. Cảm ơn Chúa đã chết vì yêu con, cảm ơn Ngài đã sống lại vì con. Xin cho con luôn vững tin vào tình yêu Thiên Chúa để can đảm bước đi theo Ngài trên khắp mọi nẻo đường dương thế và cho dù có phải đối diện với bất kì nghịch cảnh nào con cũng vững tin Ngài luôn ở bên đồng hành, bảo vệ, chở che và cứu độ con. Đó là tất cả, là niềm tin, là sức mạnh và hy vọng của con. Xin giúp con tin Chúa, yêu Chúa, trông cậy vào Chúa mỗi ngày một hơn. Xin cho con được yêu Ngài thêm một lần nữa nhé!

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang

 

 

Songs of Comfort

8 Catholic Church Songs

Kinh Lạy Cha (tiếng Anh)

Kinh Kính Mừng (tiếng Anh)

Kinh Tin Kính (tiếng Anh)

ANRÊ DŨNG LẠC-Điện thoại (402) 423-2005 &(402) 937-5699

9210 1St Lincoln, NE 68526

ANRÊ DŨNG LẠC
9210 1St

Lincoln, NE 68526

Điện thoại (402) 423-2005 &(402) 937-5699
Email: joseph@andrewdunglac.org
Chúng tôi:

"Sống và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống".